Hotline: 0886856666

Tổng hợp các Tỷ số tài chính trong Phân tích tài chính Doanh nghiệp từ A-Z quan trọng nhất

(5/5) - 66 bình chọn.
10/10/2021 19909

 

Phân tích hoạt động tài chính doanh nghiệp là việc vận dụng tổng thể các phương pháp phân tích khoa học để đánh giá chính xác tình hình tài chính của doanh nghiệp, giúp cho các đối tượng quan tâm nắm được thực trạng tài chính và an ninh tài chính của doanh nghiệp, dự đoán được chính xác các chỉ tiêu tài chính trong tương lai cũng như rủi ro tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải; qua đó, đề ra các quyết định phù hợp với lợi ích của họ.

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ giới thiệu đến bạn đọc các Tỷ số tài chính quan trọng nhất trong Phân tích tài chính doanh nghiệp.

(Click vào tiêu đề của mỗi tỷ số tài chính để xem các bài viết chi tiết, chuyên sâu nhất về tỷ số tài chính đó)

Nội dung bài viết [Ẩn]

I. Tỷ số thanh toán - Liquidity Ratio

Tỷ số thanh toán là các tỷ số tài chính đo lường khả năng thanh toán của công ty.

Có các loại tỷ số thanh toán hay sử dụng nhất bao gồm:

1. Tỷ số thanh toán hiện hành - Current ratio

Một trong các Tỷ số tài chính những thước đo khả năng thanh toán của một công ty được sử dụng rộng rãi nhất là khả năng thanh toán hiện hành.

Tỷ số thanh toán hiện hành (Rc) = Tài sản ngắn hạn
Nợ ngắn hạn

Trong đó:

Tài sản ngắn hạn bao gồm các khoản vốn bằng tiền, đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.

Nợ ngắn hạn là các khoản nợ phải trả trong năm bao gồm: vay ngắn hạn, vay dài hạn đến hạn trả và các khoản phải trả khác.

Tỷ số Rc cho thấy công ty có bao nhiêu tài sản có thể chuyển đổi thành tiền mặt để đảm bảo thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Tỷ số này đo lường khả năng trả nợ của công ty.

2. Tỷ số thanh toán nhanh - Quick ratio

Tỷ số thanh toán nhanh được tính toán dựa trên những tài sản ngắn hạn có thể nhanh chóng chuyển đổi thành tiền, đôi khi chúng được gọi là “Tài sản có tính thanh khoản”. Mà “Tài sản có tính thanh khoản” là bao gồm tất cả tài sản ngắn hạn trừ hàng tồn kho.

Tỷ số thanh toán nhanh (Rq) = Tài sản ngắn hạn - Hàng tồn kho
Nợ ngắn hạn

Tỷ số này cho thấy khả năng thanh toán thực sự của một công ty.

II. Tỷ số hoạt động - Activity Ratios

Các tỷ số tài chính hoạt động đo lường hoạt động kinh doanh của một công ty. Để nâng cao tỷ số hoạt động, các nhà quản trị phải biết là những tài sản chưa dùng hoặc không dùng không tạo ra thu nhập vì thế công ty cần phải biết cách sử dụng chúng có hiệu quả hoặc loại bỏ chúng đi. Tỷ số hoạt động đôi khi còn gọi là tỷ số hiệu quả hoặc tỷ số luân chuyển.

1. Số vòng quay các khoản phải thu - Accounts receivable turnover ratio

Các khoản phải thu là những hoá đơn bán hàng chưa thu tiền về do công ty thực hiện chính sách bán chịu và các khoản tạm ứng chưa thanh toán, khoản trả trước cho người bán...

Công thức xác định:

Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu
Các khoản phải thu

Số vòng quay các khoản phải thu được sử dụng để xem xét cẩn thận việc thanh toán các khoản phải thu v.v… Khi khách hàng thanh toán tất cả các hoá đơn của họ, lúc đó các khoản phải thu quay được một vòng.

2. Số vòng quay hàng tồn kho - Inventory turnover ratio

Công thức xác định:

Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bán
Hàng tồn kho

Số vòng quay hàng tồn kho là một tiêu chuẩn đánh giá công ty sử dụng hàng tồn kho của mình hiệu quả như thế nào.

3. Hiệu suất sử dụng tài sản cố định - Sales-to-Fixed assets ratio

Công thức xác định:

Hiệu suất sử dụng Tài sản cố định = Doanh thu thuần
Tài sản cố định

Tỷ số này nói lên một đồng tài sản cố định tạo ra được bao nhiêu đồng doanh thu. Qua đó đánh giá hiệu quả sử dụng tài sản cố định ở công ty.

4. Hiệu suất sử dụng tổng tài sản - Sales-to-total assets ratio

Công thức xác định:

Hiệu suất sử dụng tổng tài sản = Doanh thu thuần
Tổng tài sản

Hiệu suất sử dụng tổng tài sản đo lường một đồng tài sản tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh sẽ tạo ra bao nhiêu đồng doanh thu.

5. Hiệu suất sử dụng vốn cổ phần - Sales-to-equity ratio

Công thức xác định:

Hiệu suất sử dụng vốn cổ phần = Doanh thu thuần
Vốn cổ phần

Hiệu suất sử dụng vốn cổ phần là chỉ tiêu rất hữu ích trong việc phân tích khía cạnh tài chính của công ty mà sẽ được đề cập kỹ hơn ở phần sau. Hiệu suất sử dụng vốn cổ phần đo lường mối quan hệ giữa doanh thu và vốn cổ phần.

III. Tỷ số đòn bẩy tài chính - Financial leverage ratios

Tỷ số đòn bẩy tài chính đánh giá mức độ mà một công ty tài trợ cho hoạt động kinh doanh của mình bằng vốn vay. Khi một công ty vay tiền, công ty luôn phải thực hiện một chuỗi thanh toán cố định. Vì các cổ đông chỉ nhận được những gì còn lại sau khi chi trả cho chủ nợ, nợ vay được xem như là tạo ra đòn bẩy. Trong thời kỳ khó khăn, các công ty có đòn bẩy tài chính cao có khả năng không trả được nợ. Vì thế khi
công ty muốn vay tiền, ngân hàng sẽ đánh giá xem công ty có vay quá nhiều hay không? Ngân hàng cũng xét xem công ty có duy trì nợ vay của mình trong hạn mức cho phép không? 

Các nhà cung cấp tín dụng căn cứ vào tỷ số đòn bẩy tài chính để ấn định mức lãi suất cho vay đối với công ty (vì công ty càng có nhiều nợ vay, rủi ro về mặt tài chính càng lớn). Ở các nước phát triển, người ta đánh giá được độ rủi ro này và tính vào lãi suất cho vay. Điều đó có nghĩa là công ty càng vay nhiều thì lãi suất càng cao. 

Đối với công ty, tỷ số đòn bẩy tài chính sẽ giúp nhà quản trị tài chính lựa chọn cấu trúc vốn hợp lý nhất cho công ty mình. Qua tỷ số đòn bẩy tài chính nhà đầu tư thấy được rủi ro về tài chính của công ty từ đó dẫn đến quyết định đầu tư của mình. 

Các tỷ số đòn bẩy thông thường là:

1. Tỷ số nợ trên tài sản - Debt ratio

Công thức xác định:

Tỷ số nợ = Tổng nợ
Tổng tài sản

Trong đó:

Tổng nợ: bao gồm toàn bộ khoản nợ ngắn hạn và dài hạn tại thời điểm lập báo cáo tài chính gồm: các khoản phải trả vay ngắn hạn, nợ dài hạn do đi vay hay phát hành trái phiếu dài hạn.

Tổng tài sản: toàn bộ tài sản của công ty tại thời điểm lập báo cáo.

Tỷ số này cho thấy bao nhiêu phần trăm tài sản của công ty được tài trợ bằng vốn vay.

2. Tỷ số nợ trên vốn cổ phần - Debt- to- equity ratio

Công thức xác định:

Tỷ số nợ trên vốn cổ phần = Tổng nợ
Vốn cổ phần

Tỷ số này cho thấy bao nhiêu phần trăm Tổng nợ của công ty được trên vốn cổ phần đang sở hữu. Cho thấy các nhà cho vay đã tài trợ nhiều hơn bao nhiêu so với các chủ sở hữu của Công ty.

3. Tỷ số tổng tài sản trên vốn cổ phần - Equity multiplier ratio

Công thức xác định:

Tỷ tài sản trên vốn cổ phần = Tổng Tài sản
Vốn cổ phần

Một tỷ số khác cũng được sử dụng đến để tính toán mức độ đi vay (rủi ro về tài chính) mà công ty đang gánh chịu đó là tỷ số tổng tài sản trên vốn cổ phần

4. Khả năng thanh toán lãi vay - Times interest earned ratio

Công thức xác định:

Khả năng thanh toán lãi vay = Lãi trước thuế và lãi vay
Lãi vay

Lãi vay hàng năm là chi phí tài chính cố định và chúng ta muốn biết công ty sẵn sàng trả lãi đến mức nào. Cụ thể hơn chúng ta muốn biết rằng liệu số vốn đi vay có thể sử dụng tốt đến mức nào, có thể đem lại khoản lợi nhuận bao nhiêu và đủ bù đắp lãi vay hay không. Tỷ số này dùng để đo mức độ mà lợi nhuận phát sinh do sử dụng vốn để đảm bảo trả lãi vay hàng năm như thế nào. Nếu công ty quá yếu về mặt này, các chủ nợ có thể đi đến kiện tụng và tuyên bố phá sản.

Trong công thức trên, phần tử số phản ánh số tiền mà công ty có thể được sử dụng để trả lãi vay trong năm. Ở đây phải lấy tổng số lợi nhuận trước thuế và lãi vay vì lãi vay được tính vào chi phí trước khi tính thuế thu nhập. Phần mẫu số là lãi vay, bao gồm tiền lãi trả cho các khoản vay ngắn và dài hạn kể cả lãi do phát hành trái phiếu.

IV. Tỷ số sinh lợi - Profitability ratios

Tỷ số sinh lợi là tỷ số tài chính đo lường thu nhập của công ty với các nhân tố khác tạo ra lợi nhuận như doanh thu, tổng tài sản, vốn cổ phần. 

Loại tỷ số tài chính này bao gồm các chỉ tiêu sau:

1. Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu - Net profit margin ratio

Công thức xác định:

Tỷ suất sinh lợi trên doanh thu = Lợi nhuận ròng x 100
Doanh thu thuần

Chỉ tiêu này nói lên một đồng doanh thu tạo ra được bao nhiêu đồng lợi nhuận.

2. Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản - Return on total assets ratio (ROA)

Công thức xác định:

Tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) = Lãi ròng x 100
Tổng tài sản

Chỉ tiêu này đo lường khả năng sinh lợi trên một đồng vốn đầu tư vào công ty.

3. Tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu - Return on equity ratio (ROE)

Công thức xác định:

Tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần (ROE) = Lợi nhuận ròng x 100
Vốn cổ phần

Đây là chỉ tiêu mà nhà đầu tư rất quan tâm vì nó cho thấy khả năng tạo lãi của một đồng vốn họ bỏ ra để đầu tư vào công ty.

Sự khác nhau giữa tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản và tỷ suất sinh lợi trên vốn cổ phần là do công ty có sử dụng vốn vay. Nếu công ty không có vốn vay thì hai tỷ số này sẽ bằng nhau.

V. Tỷ số giá trị thị trường - Market-value ratio

Các nhà đầu tư cổ phần đặc biệt quan tâm đến các cổ phiếu có giá trị mà có ảnh hưởng mạnh đến giá thị trường của cổ phần.

Các tỷ số giá trị thị trường thường hay được sử dụng nhất là:

1. Thu nhập mỗi cổ phần - Earning per share (EPS)

Công thức xác định:

Thu nhập mỗi cổ phần (EPS) = Thu nhập ròng của cổ đông thường
Số lượng cổ phần thường

Thu nhập ròng của cổ đông thường được tính bằng cách lấy lãi ròng trừ đi tiền lãi của cổ phần ưu đãi.

Thu nhập mỗi cổ phần được nhiều nhà đầu tư đánh giá là một yếu tố quan trọng nhất, quyết định giá trị của cổ phần bởi vì nó đo lường sức thu nhập chứa đựng trong một cổ phần hay nói cách khác nó thể hiện thu nhập mà nhà đầu tư có được do mua cổ phần.

2. Tỷ lệ chi trả cổ tức - Payout ratio

Công thức xác định:

Tỷ lệ chi trả cổ tức = Cổ tức mỗi cổ phần
Thu nhập mỗi cổ phần

Chỉ tiêu tỷ lệ chi trả cổ tức nói lên công ty chi trả phần lớn thu nhập cho cổ đông hay giữ lại để tái đầu tư. Đây nhân tố quyết định đến giá trị thị trường của cổ phần.

3. Tỷ số giá thị trường trên thu nhập - Price-earning ratio (P/E)

Công thức xác định:

Tỷ số giá thị trường trên thu nhập (P/E)  = Giá trị thị trường mỗi cổ phần
Thu nhập mỗi cổ phần

Đây cũng là chỉ tiêu mà nhà đầu tư rất quan tâm vì nó thể hiện giá cổ phần đắt hay rẻ so với thu nhập.

4. Tỷ suất cổ tức - Dividend yield

Công thức xác định:

Tỷ suất cổ tức  = Cổ tức mỗi cổ phần
Giá trị thị trường mỗi cổ phần

Như ta đã biết, thu nhập của nhà đầu tư gồm hai phần: cổ tức và chênh lệch giá do chuyển nhượng cổ phần. Nếu tỷ suất cổ tức của một cổ phần thấp điều đó chưa hẳn là xấu bởi vì nhà đầu tư có thể chấp nhận tỷ lệ chi trả cổ tức thấp để dành phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư. Họ mong đợi một tăng trưởng nhanh trong cổ tức và hưởng được sự chênh lệch lớn của giá cổ phần.

5. Chỉ số P/B -  Price to Book Value Ratio

Công thức xác định:

Chỉ số P/B  = Giá trị thị trường mỗi cổ phần
Giá trị ghi sổ mỗi cổ phần

Chỉ số P/B cho thấy rằng với giá trị ghi sổ của mỗi cổ phiếu, nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra bao nhiêu tiền để sở hữu cổ phần của doanh nghiệp đó.

 

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ giới thiệu đến bạn đọc các Tỷ số tài chính quan trọng nhất trong Phân tích tài chính doanh nghiệp.

Nếu các bạn đọc có câu hỏi gì, hãy để ở dưới phần bình luận, đội ngũ chuyên gia của Thành Nam luôn sẵn sàng để hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc từ phía độc giả.

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo