Hotline: 0886856666

Thuế nhập khẩu, Thuế nhập khẩu là gì? Đặc trưng cơ bản, Vai trò và Đối tượng của Thuế xuất nhập khẩu

(5/5) - 66 bình chọn.
28/11/2021 1641

 

Quốc tế hóa nền kinh tế là xu thế tất yếu của thời đại hiện nay. Chính vì vậy, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ngày càng có vai trò quan trọng đối với mọi quốc gia.

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Thuế nhập khẩu, Thuế nhập khẩu là gì? Đặc trưng cơ bản, Vai trò và Đối tượng của Thuế xuất nhập khẩu

I. Thuế nhập khẩu, Thuế nhập khẩu là gì?

Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu là các loại thuế gián thu, đánh vào mặt hàng mậu dịch, phi mậu dịch được phép xuất nhập khẩu qua biên giới Việt Nam.

Theo quan niệm chung, Thuế là khoản tiền do các tổ chức, cá nhân nộp cho Nhà nước để góp phần chia sẻ gánh nặng chi tiêu với Nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong cấu trúc hệ thống thuế ở mỗi quốc gia, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu có vai trò và ý nghĩa thiết thực, không chỉ trong việc tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước hàng năm mà quan trọng hơn, nó còn là công cụ hữu hiệu để Nhà nước kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với nước ngoài, bảo hộ sản xuất trong nước và thực hiện các mục tiêu đối ngoại của Chính phủ trong từng thời kỳ, đối với từng quốc gia hoặc nhóm từng quốc gia cụ thể.

Mặc dù xuất hiện muộn hơn một số sắc thuế nội địa nhưng Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu đã nhanh chóng khẳng định được vai trò, tác dụng to lớn của mình đối với nền kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa với bên ngoài và bảo hộ nền sản xuất trong nước.

Ngày nay, xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế đang từng bước ảnh hưởng đến Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu theo hướng hạn chế vai trò của loại thuế này ở mỗi quốc gia. Song về cơ bản, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu vẫn sẽ là giải pháp quản lý vĩ mô có hiệu quả đối với nền kinh tế trong nước, nhất là đối với những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch tập trung sang cơ chế kinh tế thị trường như Việt Nam.

II. Các đặc trưng cơ bản của Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu:

So với các loại thuế nội địa thì Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu có nhiều điểm khác biệt. Những khác biệt này có nguồn gốc sâu xa từ bản chất và chức năng của Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu. 

Các đặc trưng cơ bản bao gồm:

Thứ nhất, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu có đối tượng chịu thuế là các hàng hóa được phép vận chuyển qua biên giới. 

Khái niệm hàng hóa là đối tượng chịu Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu có thể hiểu theo nghĩa thông thường, bao gồm các tư liệu sản xuất và tư liệu tiêu dùng do con người sản xuất ra và được lưu thông trên thị trường bằng cách chuyển vào và chuyển ra khỏi biên giới của một nước. Trong xã hội hiện đại ngày nay, xuất hiện ngày càng nhiều loại hàng hóa vô hình được chuyển vào hoặc chuyển ra khỏi biên giới một nước nhưng không phải bằng phương thức thông thường mà cơ quan Hải quan có thể kiểm soát được. Ví dụ điển hình cho những loại hàng hóa này chính là những sản phẩm phần mềm công nghệ thông tin được giao dịch hàng ngày qua mạng máy tính toàn cầu (Internet). Ngoài ra, điểm rất đáng chú ý là những "dịch vụ" tuy cũng được xuất khẩu và nhập khẩu trên thực tế giữa các quốc gia nhưng hầu như pháp luật về Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của các nước đều không quy định là một phần trong đối tượng "chịu Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu". Có lẽ điều này xuất phát từ sự khó khăn của cơ quan công quyền trong việc kiểm soát hành vi xuất khẩu, nhập khẩu "dịch vụ".

Thứ hai, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu không hoàn toàn là Thuế trực thu hoặc thuế gián thu. 

Điều này thể hiện ở chỗ, khi một nhà nhập khẩu nộp thuế nhập khẩu và tự tiêu dùng số lượng hàng hóa nhập khẩu đó chứ không bán ra bên ngoài thì khi đó khoản thuế nhập khẩu đã nộp có tính chất là thuế trực thu, vì chính người nhập khẩu vừa là người nộp thuế đồng thời là người chịu thuế. Ngược lại, khi nhà nhập khẩu đã nộp xong Thuế nhập khẩu và bán lại số hàng hóa đó cho người khác thì số tiền thuế nhập khẩu đã nộp có xu hướng chuyển sang cho người mua chịu và do đó, khoản thuế nhập khẩu này lại có tính chất là thuế gián thu, bởi lẽ người nộp thuế và người chịu thuế không phải là một.

Thứ 3, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu có chức năng đặc trưng là bảo hộ sản xuất trong nước và điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu.

Chức năng này thể hiện sự khác biệt căn bản giữa Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu với các loại thuế nội địa  khác như Thuế giá trị gia tăng, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế sử dụng đất, Thu thu nhập cá nhânThuế thu nhập doanh nghiệp,...Tuy nhiên, trải qua thời gian, dưới sức ép của trào lưu hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại, chức năng bảo hộ nền sản xuất trong nước của Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu có xu hướng ngày càng giảm sút, để nhường chỗ cho chức năng tạo nguồn thu ngân sách nhà nước. Ngày nay, do Chính sách Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu của các nước có xu hướng cắt giảm dần các mức thuế suất nhằm đáp ứng yêu cầu tự do hóa thương mại quốc tế nên có thể trong tương lai, ranh  giới để phân biệt Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu và Thuế nội địa sẽ trở nên rất mong manh và thậm chí có thể bị "xóa nhòa" hoàn toàn, khi mà tự do hóa thương mại đã trở thành xu thế tất yếu và mang tính hiện thực trên toàn thế giới.

III. Vai trò của Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu 

Giống như bất kỳ loại thuế nào, Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu cũng thể hiện ba vai trò cơ bản:

  • Một là, Tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
  • Hai là, Điều tiết hoạt động kinh tế
  • Ba là, Hướng dẫn tiêu dùng  trong xã hội

Tuy nhiên, xuất phát từ đặc trưng cơ bản của Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu là đánh vào các hàng hóa xuất, nhập khẩu và sau đó được cấu thành trong giá cả của hàng hóa xuất, nhập khẩu nên loại thuế này còn có một vai trò khá đặc thù, đó là bảo hộ nền sản xuất trong nước và chống lại  xu hướng cạnh tranh không cân sức giữa hàng hóa trong nước với hàng hóa ngoại nhập.

Xét trên bình diện lý thuyết, vai trò này của Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu được thể hiện chủ yếu trên hai khía cạnh chủ yếu:

Một là, Đối với hàng hóa nhập khẩu, do bị đánh thuế nhập khẩu nên về lý thuyết, giá cả của loại hàng hóa này trên thị trường nhập khẩu sẽ tăng lên, trong khi đó các hàng hóa được sản xuất trong nước, do không phải chịu thuế nhập khẩu (hoặc chỉ phải chịu thuế nhập khẩu cho phần nguyên liệu hay máy móc nhập khẩu) nên giá thành sản phẩm của loại hàng hóa này có xu hướng rẻ hơn và do đó có sức cạnh tranh cao hơn đối với hàng ngoại nhập. Điều này cho thấy việc đánh thuế nhập khẩu thực chất làm một biện pháp để bảo hộ nền sản xuất trong nước, khi Chính phủ nhận thấy có những bất lợi nghiêng về phía hàng hóa được sản xuất từ các doanh nghiệp trong nước.

Hai là, Đối với hàng xuất khẩu, do bị đánh thuế xuất khẩu nên việc tiêu thụ các hàng hóa này ở thị trường nước ngoài trở nên khó khăn hơn so với thị trường nội địa và khi đó, các hàng hóa này có xu hướng sẽ được tiêu thụ trong nước. Bằng cách này, Nhà nước đã bao hộ một cách hữu hiệu cho thị trường tiêu thụ trong nước. Mặt khác, khi Nhà nước muốn khuyến khích xuất khẩu nhằm tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa do nước mình sản xuất khi chúng được tiêu thụ trên thị trường nước ngoài thì thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ được quy định giảm đi, thậm chí là bằng không. Việc nhà nước giảm thuế xuất khẩu đối với hàng hóa xuất khẩu sẽ tạo ra khả năng cạnh tranh tốt hơn cho loại hàng hóa này trên thị trường quốc tế, so với hàng hóa cùng loại của những nước khác đang lưu thông trên thị trường.

IV. Đối tượng chịu Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu là gì?

Theo Nghị định số 134/2016/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu:

1. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam.

2. Hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

Hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất, kho bảo thuế, kho ngoại quan và các khu phi thuế quan khác phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu vào thị trường trong nước.

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

4. Hàng hóa của doanh nghiệp chế xuất thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu là hàng hóa do doanh nghiệp chế xuất xuất khẩu, nhập khẩu để thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối theo quy định của pháp luật thương mại, pháp luật đầu tư.

 

 

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Thuế nhập khẩu, Thuế nhập khẩu là gì? Đặc trưng cơ bản, Vai trò và Đối tượng của Thuế xuất nhập khẩu

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo