Mức trọng yếu là thuật ngữ thường được sử dụng trong Báo cáo Kiểm toán, thể hiện tầm quan trọng của một thông tin trên Báo cáo tài chính.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ làm rõ cùng bạn đọc: Mức trọng yếu là gì? Cách xác định mức độ trọng yếu trong Kiểm toán viên.
Xem thêm:
Theo VSA 320 - Chuẩn mực Kiểm toán Việt Nam - về mức Trọng yếu trong lập kế hoạch và Thực hiện Kiểm toán:
Trọng yếu: Là thuật ngữ dùng để thể hiện tầm quan trọng của một thông tin (một số liệu kế toán) trong báo cáo tài chính. Thông tin được coi là trọng yếu có nghĩa là nếu thiếu thông tin đó hoặc thiếu tính chính xác của thông tin đó sẽ ảnh hưởng đến các quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính;
Mức trọng yếu: Là một mức giá trị do kiểm toán viên xác định tùy thuộc vào tầm quan trọng và tính chất của thông tin hay sai sót được đánh giá trong hoàn cảnh cụ thể. Mức trọng yếu là một ngưỡng, một điểm chia cắt chứ không phải là nội dung của thông tin cần phải có. Tính trọng yếu của thông tin phải được xem xét cả trên phương diện định lượng và định tính;
Nhìn chung, mức trọng yếu được hiểu như sau:
- Những sai sót, bao gồm cả việc bỏ sót, được coi là trọng yếu nếu những sai sót này, khi xét riêng lẻ hoặc tổng hợp lại, được xem xét ở mức độ hợp lý, có thể gây ảnh hưởng tới quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính;
- Những xét đoán về mức trọng yếu được thực hiện trong từng trường hợp cụ thể và bị ảnh hưởng bởi quy mô hay bản chất của sai sót, hoặc được tổng hợp của cả hai yếu tố trên;
- Những xét đoán về các vấn đề trọng yếu đối với người sử dụng báo cáo tài chính phải dựa trên việc xem xét các nhu cầu chung về thông tin tài chính của nhóm người sử dụng, như các nhà đầu tư, ngân hàng, chủ nợ,... Những ảnh hưởng có thể có của các sai sót đến một số ít người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính mà nhu cầu của họ có nhiều khác biệt so với phần lớn những người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính sẽ không được xét đến.
Việc xác định mức trọng yếu của kiểm toán viên mang tính xét đoán chuyên môn và phụ thuộc vào nhận thức của kiểm toán viên về nhu cầu của người sử dụng thông tin trên báo cáo tài chính. Trong trường hợp này, kiểm toán viên có thể giả định rằng, người sử dụng báo cáo tài chính:
(a) Có sự hiểu biết hợp lý về hoạt động kinh doanh, về kinh tế và tài chính, kế toán và quan tâm nghiên cứu thông tin trên báo cáo tài chính với sự cẩn trọng một cách hợp lý;
(b) Hiểu rằng báo cáo tài chính được lập, trình bày và được kiểm toán trên cơ sở mức trọng yếu;
(c) Nhận thức được tính không chắc chắn tiềm tàng trong việc xác định giá trị do việc sử dụng các ước tính kế toán, các xét đoán và yếu tố của các sự kiện xảy ra trong tương lai;
(d) Đưa ra các quyết định kinh tế hợp lý trên cơ sở các thông tin trên báo cáo tài chính.
Mục tiêu của kiểm toán viên và Công ty Kiểm toán là áp dụng khái niệm mức trọng yếu một cách phù hợp khi lập kế hoạch và thực hiện kiểm toán.
a) Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính hoặc thông tin tài chính được kiểm toán: Là giá trị tối đa của toàn bộ sai sót trên Báo cáo Tài chính hoặc thông tin tài chính được kiểm toán mà Kiểm toán viên cho rằng từ mức đó trở xuống Báo cáo Tài chính có thể bị sai nhưng chưa ảnh hưởng đến quyết định của các đối tượng sử dụng thông tin;
b) Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính được xác định dựa trên giá trị tiêu chí được lựa chọn và tỷ lệ phần trăm (%) tương ứng với giá trị tiêu chí đó.
Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính |
= |
Tỷ lệ phần trăm (%) xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính |
X |
Giá trị tiêu chí được lựa chọn xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính |
c) Lựa chọn tiêu chí để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính:
- Tùy từng loại hình doanh nghiệp, tiêu chí phù hợp để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính có thể được lựa chọn từ một hoặc một số chỉ tiêu quan trọng nhất trong các yếu tố của Báo cáo Tài chính: Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế; Tổng doanh thu; Tổng chi phí; Tổng tài sản;...
- Việc lựa chọn tiêu chí để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính phụ thuộc vào xét đoán chuyên môn của Kiểm toán viên dựa trên các yếu tố sau:
+ Các khoản mục trên Báo cáo Tài chính mà đối tượng sử dụng thông tin thường quan tâm;
+ Đặc điểm hoạt động của đơn vị được kiểm toán, đặc điểm ngành nghề, lĩnh vực và môi trường hoạt động của đơn vị; môi trường kiểm soát của doanh nghiệp; mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp; tính hoạt động liên tục của doanh nghiệp.
+ Sự thay đổi tiêu chí lựa chọn khi có yếu tố bất thường.
Ví dụ: Trong trường hợp doanh nghiệp lỗ, Kiểm toán viên sẽ không sử dụng tiêu chí lợi nhuận kế toán trước thuế để tính mức trọng yếu mà sử dụng các chỉ tiêu khác; Chỉ tiêu lợi nhuận kế toán trước thuế hoặc doanh thu thuần thường được lựa chọn để tính mức trọng yếu đối với các doanh nghiệp thương mại; Chỉ tiêu lợi nhuận kế toán trước thuế hoặc tổng tài sản thường được lựa chọn để tính mức trọng yếu đối với các doanh nghiệp sản xuất; Chỉ tiêu doanh thu thuần hoặc lợi nhuận kế toán trước thuế hoặc vốn chủ sở hữu thường được lựa chọn để tính mức trọng yếu đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ….
- Trường hợp chọn nhiều tiêu chí để xác định mức trọng yếu thì mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính là giá trị thấp nhất xác định được từ các tiêu chí trên.
- Khi lựa chọn chỉ tiêu hợp lý để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính dựa trên các chỉ tiêu trên. Kiểm toán viên cần phản ánh trong hồ sơ kiểm toán những diễn giải chi tiết lý do lựa chọn của mình.
d) Khung tỷ lệ để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính
- Kiểm toán viên xây dựng khung tỷ lệ sử dụng để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính là một khoảng tỷ lệ phần trăm (%) tương ứng với mỗi giá trị tiêu chí được lựa chọn chi tiết như sau:
Bảng 1. Khung tỷ lệ cho từng tiêu chí để xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính
STT |
Mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính |
1 |
3-10% Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế |
2 |
0,5-3% Tổng doanh thu |
3 |
0,5-3% Tổng chi phí |
4 |
0,5-3% Tổng vốn chủ sở hữu |
5 |
0,5-2% Tổng tài sản |
- Khung tỷ lệ nêu trên cung cấp định hướng cho Kiểm toán viên khi đưa ra các xét đoán trong việc xác định mức trọng yếu đối với tổng thể Báo cáo Tài chính. Trong một số trường hợp, tỷ lệ % xác định mức trọng yếu có thể vượt khung hướng dẫn nói trên nếu như Kiểm toán viên xét đoán rằng mức trọng yếu đó là phù hợp. Kiểm toán viên cần phản ánh trong hồ sơ kiểm toán những diễn giải chi tiết hơn về nguyên nhân xác định mức trọng yếu vượt quá khung và mức trọng yếu vượt khung này phải được sự đồng ý của Lãnh đạo Kiểm toán viên.
- Việc xác định tỷ lệ trong khung cần lưu ý phụ thuộc vào đánh giá của Kiểm toán viên, trên cơ sở xem xét các thông tin: Đặc điểm, môi trường kinh doanh, quy mô, tính chất phức tạp hoạt động kinh doanh của doanh nghiêp,...
Khi lập chiến lược kiểm toán tổng thể, kiểm toán viên phải xác định mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính. Trong những trường hợp cụ thể của đơn vị được kiểm toán, nếu có một hoặc một số nhóm các giao dịch, số dư tài khoản hoặc thông tin thuyết minh (nếu xét riêng lẻ) có sai sót với mức thấp hơn mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính nhưng có thể ảnh hưởng (nếu xét tổng thể) đến quyết định kinh tế của người sử dụng báo cáo tài chính, thì kiểm toán viên phải xác định mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu áp dụng cho từng nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh.
Kiểm toán viên phải xác định mức trọng yếu thực hiện cho mục đích đánh giá các rủi ro có sai sót trọng yếu và xác định nội dung, lịch trình, phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo trong quá trình kiểm toán.
Kiểm toán viên phải sửa đổi mức trọng yếu đối với tổng thể báo cáo tài chính và mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh trong trường hợp kiểm toán viên có thêm thông tin trong quá trình kiểm toán mà có thể dẫn đến việc thay đổi mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu so với mức xác định trước đó.
Nếu kiểm toán viên kết luận rằng việc áp dụng một mức trọng yếu thấp hơn mức trọng yếu đã xác định trước đó đối với tổng thể báo cáo tài chính và mức trọng yếu hoặc các mức trọng yếu cho các nhóm giao dịch, số dư tài khoản hay thông tin thuyết minh là phù hợp thì kiểm toán viên phải xác định xem có cần phải sửa đổi lại mức trọng yếu thực hiện, và xem nội dung, lịch trình và phạm vi của các thủ tục kiểm toán tiếp theo có còn phù hợp hay không.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã làm rõ cùng bạn đọc: Mức trọng yếu là gì? Cách xác định mức độ trọng yếu đối với Kiểm toán viên.
Xem thêm:
Hệ thống Văn bản mới nhất
Tổng hợp Tài liệu Kế toán
⭐ Hệ thống Tài khoản Kế toán TT200
⭐ Hệ thống Tài khoản Kế toán TT133
⭐ Biểu mẫu Chứng từ Kế toán TT200
⭐ VAS - Chuẩn mực Kế toán Việt Nam
⭐ IFRS - Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế
Công cụ hỗ trợ Kế toán
⭐ Công cụ tra cứu hóa đơn của Doanh nghiệp bỏ trốn
⭐ Lịch nộp các loại Báo cáo thuế năm 2022
Bản Tin Thuế hàng tháng
0886856666