Hotline: 0886856666

Thuế là gì? Đặc điểm và Cách thức phân loại Thuế. Phân biệt Thuế, Phí và Lệ phí

(5/5) - 66 bình chọn.
22/11/2021 741

 

Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ các điều kiện nhất định.

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Thuế là gì? Đặc điểm và Cách thức phân loại Thuế. Phân biệt Thuế, Phí và Lệ phí.

1. Thuế là gì?

Thuế ra đời là một tất yếu khách quan, gắn với sự phát triển và hình thành của nhà nước. Để duy trì sự tồn tại, đồng thời với việc thực hiện các chức năng của mình, nhà nước cần có nguồn vật chất để thực hiện các chi tiêu có tính chất xã hội. Bằng quyền lực chính trị, nhà nước thu một bộ phận của cải xã hội để có được nguồn vật chất đó. Quan hệ thu, nộp những nguồn vật chất này, chính là thuế.

Sự xuất hiện và phát triển của thuế gắn với mỗi giai đoạn, lợi ích mà nhà nước sử dụng nó làm công cụ điều tiết nguồn thu của nền kinh tế xã hội đấy.

Định nghĩa về Thuế theo Các Mác: "Thuế là cơ sở kinh tế của Bộ máy nhà nước, là công cụ đơn giản để kho bạc thu được tiền hay tài sản của người dân để dùng vào việc chi tiêu của nhà nước".

Các nhà kinh tế học cho rằng: "Thuế là một hình thức phân phối thu nhập tài chính của nhà nước để thực hiện chức năng của mình, dựa vào quyền lực chính trị, tiến hành phân phối sản phẩm thặng dư của xã hội một cách cưỡng chế và không hoàn lại."

Chuyên gia về Luật thuế định nghĩa:"Thuế là một trật tự đã được thiết lập hòa bình giữa chính phủ với cộng đồng trong sự tôn trọng thực hiện nghĩa vụ thu, nộp ngân sách. Thuế không có bất kỳ sự phân biệt đối xử nào giữa các bang hay vùng lãnh thổ".

Tựu chung lại, ta có định nghĩa về Thuế như sau:

Thuế là khoản thu nộp mang tính bắt buộc mà các tổ chức hoặc cá nhân phải nộp cho nhà nước khi có đủ các điều kiện nhất định.

2. Đặc điểm của Thuế:

Trên phương diện điều chỉnh pháp luật, việc nghiên cứu các đặc tính của Thuế, một mặt giúp nhà làm luật lựa chọn sự điều chỉnh pháp luật một cách phù hợp đối với thuế, mặc khác giúp cho các đối tượng có liên quan thực hiện đầy đủ chức trách và nhiệm vụ của mình.

Thuế có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, Thuế là khoản thu nộp bắt buộc vào ngân sách.

Tính bắt buộc thể hiện ở chỗ, đối với người nộp thuế, đây là nghĩa vụ chuyển giao tài sản của họ với nhà nước khi có đủ điều kiện mà không phải quan hệ thanh toán dù trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Đối với các cơ quan thu thuế, khi thay mặt nhà nước thực hiện các hành vi nhất định cũng không được phép thực hiện hay không thực hiện hành vi thu thuế, có sự phân biệt đối xử với người nộp thuế. 

Đặc tính bắt buộc của Thuế là một trong các dấu hiệu quan trọng để phân biệt thuế với các khoản thu mang tính tự nguyện hình thành nên ngân sách nhà nước. Điều này có ý ngĩa pháp lý quan trọng khi ban hành pháp luật về thuế và chi phối phương pháp thực hiện thu thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tính bắt buộc của thuế có mối quan hệ mật thiết với tính không hoàn trả. Do thuế không có tính hoàn trả, về lý thuyết, khó tìm thấy sự tự nguyện khi nộp thuế - hành vi chuyển giao một khối lượng tài sản cho nhà nước và chắc chắn sẽ không nhận lại được chúng trong tương lai. Vì vậy để thực hiện thu thuế ổn định, phải sử dụng biện pháp bắt buộc như là một thuộc tính cơ bản của Thuế.

Thứ hai, Thuế gắn với yếu tố quyền lực.

Tính quyền lực của Thuế được xuất phát bởi lý do xuất hiện các khoản thu về thuế của Nhà nước. Thuế xuất hiện cùng với sự xuất hiện của Nhà nước, thực hiện việc cung cấp cơ sở vật chất cho nhà nước thực hiện các chức năng và nhiệm vụ của mình. Các nhà kinh tế, chính trị đều thống nhất cho rằng Thuế là biện pháp chủ yếu của Nhà nước để Nhà nước điều tiết hoặc can thiệp vào nền kinh tế. Bằng quyền lực chính trị, nhà nước tạo ra cho thuế tính cố định, sự tuân thủ của đối tượng nộp thuế. Các yếu tố như đối tượng nộp thuế, thuế suất,... được quy định trước và mang tính ổn định trong một khoảng thời gian nhất định.Chỉ gắn với yếu tố quyền lực, thuế mới đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tạo nguồn thu nhập tài chính cho Nhà nước.

Để gắn với yếu tố quyền lực cho Thuế, các quốc gia, không phân biệt mức độ phát triển, đều có xu hướng ghi nhận thuế ở văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất - các Luật thuế. Điều đó cũng gián tiếp đảm bảo tính ổn định trong việc xác định nguồn thu nhập tài chính của Nhà nước và đảm bảo tính ổn định của Thuế.

Thứ ba, Thuế không mang tính đối giá, không hoàn trả trực tiếp

Thuế không phải là khoản phải trả khi các đối tượng nộp thuế đã nhận được một lợi ích hay quyền lợi cụ thể nào từ phía Nhà nước. Bất kỳ ai, khi đủ điều kiện đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước, không phân biệt họ đã nhận được những lợi ích công cộng nào. Điều này cho phép phân biệt thuế với các khoản thu nộp do đối tượng nộp chỉ thực hiện nghĩa vụ của mình đã nhận được một lợi ích nhất định từ phía nhà nước. Đó là các khoản thu từ phí, lệ phí.

Thuế xuất hiện do nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, của các chủ thể quản lý xã hội. Kết quả của việc sử dụng các khoản thu từ thuế chủ yếu là các sản phẩm công (những lợi ích không thể xác định chính xác được theo giá trị vật chất). Điều này lý giải vì sao thuế phải là các khoản thu không có tính hoàn trả. Tuy vậy, kết quả những sản phẩm do nhà nước sử dụng các khoản thu từ thuế lại được thụ hưởng bởi chính những đối tượng nộp thuế, đó là sự yên bình xã hội, sự phát triển và thịnh vượng, chế độ phúc lợi công cộng... Nói khác đi, người nộp thuế được hoàn trả một cách gián tiếp những khoản tiền nộp cho nhà nước.

3. Phân biệt Thuế với Phí, lệ phí

Bên cạnh việc chỉ ra các đặc điểm của thuế, cũng cần phân biệt thuế với phí, lệ phí. Mặc dù thuế, phí, lệ phí đều là các khoản thu mang tính bắt buộc, hình thành nguồn thu cho quỹ ngân sách nhà nước nhưng giữa chúng có một số điểm khác biệt.

- Về cơ sở pháp lí để thực hiện các khoản thu từ thuế, lệ phí, phí. Nêu các khoản thu từ thuế được thực hiện trên cơ sở các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lí cao (luật, pháp lệnh) thì lệ phí, phí được thực hiện dựa theo các văn bản dưới luật.

- Về vị trí của các khoản thu từ thuế, lệ phí, phí trong tổng các khoản thu ngân sách nhà nước. Thuế luôn là khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, lệ phí, phí cũng là nguồn thu ngân sách nhưng không có vị trí quan trọng như thuế.

- Thuế không mang tính đối giá, hoàn trả trực tiếp nhưng đối với lệ phí, phí lại mang tính hoàn trả trực tiếp rõ ràng.

- Phạm vi áp dụng của thuế không có giới hạn, khác biệt giữa các địa phương, vùng lãnh thổ nhưng đối với các khoản thu từ lệ phí, phí có thể mang tính địa phương, địa bàn.

4. Cách thức phân loại thuế

Nghiên cứu về thuế không chỉ có ý nghĩa về lý thuyết mà còn có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn. Hệ thống thuế một quốc gia thường do nhiều loại thuế hợp thành. Mỗi loại thuế có đặc điểm và chức năng riêng nhưng nếu phân tích cân nhắc theo nhũng tiêu chí nhất định thì một số loại thuế lại có chức năng, đặc điểm tương tự, có thể gộp thành một “loại”. Việc tìm ra những loại thuế với những đặc tính chung sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với các nhà lập pháp, hành pháp; với chính những đối tượng có liên quan đến hoạt động về thuế. Điều này lý giải sự cần thiết phải tiến hành phân loại thuế theo các tiêu chí khác nhau.

Nếu căn cứ vào mục đích điều tiết, thuế có hai loại cơ bản là Thuế trực thu và Thuế gián thu.

- Thuế trực thu

Thuế trực thu bao gồm các loại thuế như thuế thu nhập, thuế đánh vào của cải, thuế đánh vào đối tượng thường trú. Chúng được gọi là thuế trực thu vì người có nghĩa vụ nộp thuế thường là người gánh chịu thuế. Nói cách khác, người nộp thuế không thể chuyển nghĩa vụ thuế sang cho các đối tượng khác.

Thuế trực thu có ưu điểm đảm bảo sự công bằng trong việc điều tiết thu nhập thặng dư của người nộp thuế nhưng thường gây ra sự phản ứng về thuế của người nộp thuế do không có sự chuyển dịch về thuế và có một sự đảm bảo chắc chắn rằng phải thực hiện một nghĩa vụ nộp tiền.

- Thuế gián thu

Thuế gián thu bao gồm các loại thuế như thuế xuất nhập khẩu, thuế gắn với sản xuất và bán hàng hoá. Gọi chúng là thuế gián thu vì người gánh chịu thuế là khách hàng nhưng người nộp thuế lại là người bán hàng, nhà nhập khẩu. Nói khác đi, đã có sự chuyển nghĩa vụ thuế từ khách hàng sang người kinh doanh.

Thuế gián thu có ưu điểm thường hạn chế sự phản ứng thuế từ người gánh chịu thuế nhưng lại không tạo ra sự bình đẳng về điều tiết thu nhập của những đối tượng có thu nhập chênh lệch.

Xác định thuế trực thu và thuế gián thu có ý nghĩa pháp lí quan trọng. Để đảm bảo tính công bằng trong điều tiết thu nhập, cần gia tăng (ban hành luật điều chỉnh) các loại thuế trực thu. Tuy vậy, việc tăng các loại thuế trực thu lại đứng trước nguy cơ không thu hút, khuyến khích việc công khai thu nhập và gây ra sự phản ứng từ người nộp thuế. Để đảm bảo nguồn thu cho nhà nước, cần gia tăng (ban hành luật điều chỉnh) các loại thuế gián thu nhưng sẽ làm tăng khoảng cách thu nhập và trong chừng mực nào đó, sẽ hạn chế tiêu dùng xã hội. Cho dù vậy, thực tế ở các quốc gia (trong đó có Việt Nam), các loại thuế trực thu thường không phổ biến bằng thuế gián thu do sự dễ dàng chấp nhận hơn từ phía khách hàng đối với các loại thuế gián thu.

Nếu căn cứ vào đối tượng tính thuế, có thuế đánh vào tài sản, thuế đánh vào thu nhập và thuế tiêu dùng.

- Thuế tài sản

Thuế tài sản là thuế đánh vào bản thân tài sản chứ không phải đánh vào phần thu nhập phát sinh từ tài sản đó.

Các loại thuế tài sản như:

  • Thuế nhà đất,
  • Thuế vốn,
  • Thuế chuyển nhượng tài sản, chuyển nhượng vốn.

Các quốc gia có thể dựa vào đối tượng tài sản để tách hoặc gộp thuê phù hợp với điều kiện cụ thể.

- Thuế đánh vào thu nhập

Thuế đánh vào thu nhập chỉ thực hiện đối với những đối tượng có giá trị thặng dư phát sinh từ tài sản của họ.

Các loại thuế đánh vào thu nhập có đối tượng tính thuế là những phần thu nhập phát sinh trong quá trình sử dụng tài sản của mình hay do kết quả của lao động... như:

  • Thuế thu nhập doanh nghiệp,
  • Thuế thu nhập cá nhân

- Thuế tiêu dùng

Thuế tiêu dùng, phần lớn là các loại thuế gián thu như:

Đặc điểm của các loại thuế trong nhóm thuế này đối tượng tính thuế chính là phần thu nhập của người chịu thuế được mang tiêu dùng vào thời điểm chịu thuế.

Việc phân chia thuế dựa trên đối tượng tính thuế có ý nghĩa pháp lý khi xác định mục tiêu điều chỉnh và mức độ đỉều chỉnh về thuế đối với từng nhóm thuế và gắn vói các chính sách kinh tế - xã hội khác nhằm tối ưu hoá hiệu quả. Ví dụ, việc gia tăng thuế tiêu dùng sẽ chỉ phát huy hiệu quả khi quốc gia ban hành luật thuế áp dụng đồng thời với các biện pháp kích cầu tiêu dùng trong dân cư.

Nếu căn cứ vào đối tượng nộp thuế, thuế bao gồm thuế đánh vào các chủ thể có yếu tố nước ngoài, thuế đối với các tổ chức và cá nhân trong nước. Cách phân chia này có ý nghĩa pháp lý quan trọng khi nhà nước cần thể hiện chính sách đối vói các nhà đầu tư trong từng thời kì.

  • Chẳng hạn, đối với trường hợp cần thiết phải hạn chế sự tham gia của các chủ thể có vốn đầu tư nước ngoài tại một quốc gia, chính sách thuế khoá ngặt nghèo có thể xác định là một trong những rào cản quan trọng đối với đầu tư nước ngoài.
  • Ngược lại, chính sách mở cửa cũng đồng nghĩa với sự nới rộng đến tối đa ưu đãi về thuế đối với các đối tượng này. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng cách phân biệt thuế theo đối tượng nộp nếu không được giải quyết hợp lý, những tác động ngược chiều của chúng hoàn toàn không nhỏ đối với nền kinh tế, đối với tình hình xã hội.

Ngoài các tiêu chí và nội dung phân loại ttên đây, còn có rất nhiều tiêu chí phân loại và nội dung phân loại thuế, tuỳ theo mục đích của người nghiên cứu đánh giá.

 

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã chia sẻ đến bạn đọc: Thuế là gì? Đặc điểm và Cách thức phân loại Thuế. Phân biệt Thuế, Phí và Lệ phí.

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật
Hồ sơ năng lực

0886856666

Chat Zalo