Hotline: 0886856666

Vốn lưu động (Working capital) là gì? Cách tính Vốn lưu động

(5/5) - 66 bình chọn.
23/09/2021 1966

 

Vốn lưu động là một chỉ tiêu quan trọng và cần thiết cho người sử dụng báo cáo tài chính. Nó được sử dụng để đánh giá khả năng tiếp tục hoạt động của doanh nghiệp, có đủ nguồn lực để thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn hay không. 

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu về : Vốn lưu động là gì? Vốn lưu động tính như thế nào? và Một số thông tin hữu ích cần phải biết về Vốn lưu động....

1. Vốn lưu động là gì?

Vốn lưu động tiếng AnhWorking capital

Vốn lưu động là một chỉ tiêu tài chính được sử dụng để đánh giá khả năng của doanh nghiệp trong ngắn hạn bằng việc sử dụng các tài sản sẵn có để đáp ứng kịp thời cho các khoản nợ cần thanh toán như: Thanh toán cho nhà cung cấp, thanh toán tiền lương, tiền thuế,.....

Vốn lưu động còn được gọi là vốn luân chuyển.

2. Các tính vốn lưu động

Qua định nghĩa của vốn lưu động, ta có thể thấy được công thức xác định vốn lưu động sẽ như sau:

Vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn - Nợ ngắn hạn

Trong đó:

Tài sản ngắn hạn là tài sản phản ánh tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền và các tài sản ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền, có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo.

Tài sản ngắn hạn thường bao gồm:

  • Tiền và các khoản tương đương tiền: Như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng,...
  • Phải thu khách hàng
  • Hàng tồn kho
  • Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn

Xem thêm: Tài sản ngắn hạn là gì? Tài sản ngắn hạn bao gồm các chỉ tiêu nào theo Thông tư 200

Nợ ngắn hạn là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.

Nợ ngắn hạn thường bao gồm:

  • Phải trả nhà cung cấp,
  • Phải trả người lao động,
  • Các khoản phải nộp ngân sách nhà nước,
  • Các khoản vay ngắn hạn,...

Xem thêm: Nợ ngắn hạn là gì? Nợ ngắn hạn bao gồm những gì theo thông tư 200?

3. Ý nghĩa của Vốn lưu động

Qua công thức tính Vốn lưu động ta có thể thấy:

  • Trường hợp Tài sản ngắn hạn lớn hơn nợ ngắn hạn, thì Vốn lưu động ròng sẽ dương, Công ty đủ nguồn lực để thanh toán cho các khoản nợ trong ngắn hạn và việc hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ diễn ra liên tục, không bị gián đoạn.
  • Trường hợp Tài sản ngắn hạn nhỏ hơn nợ ngắn hạn, thì Vốn lưu động ròng sẽ âm (hay còn gọi là Thâm hụt vốn lưu động), Công ty đang thể hiện thiếu nguồn lực để thanh toán cho các khoản nợ trong ngắn hạn, chỉ tiêu này càng lớn thì mức độ thâm hụt càng cao, việc hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ có khả năng bị gián đoạn do các chủ nợ của Công ty gây khó khăn, nguy hiểm nhất là có khả năng bị phá sản:

Ví dụ:

- Các nhà cung cấp không được thanh toán tiền, sẽ không tiếp tục cung cấp hàng hóa cho Công ty, dẫn đến Công ty không có sản phẩm để tiếp tục quá trình tiêu thụ, và sẽ không có lợi nhuận để quay vòng vốn.

- Người lao động không kịp thời được thanh toán tiền lương, thì sẽ dễ gây ra các tâm lý không tốt, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, nếu kéo dài quá lâu, có thể gây nên đình công, hoặc người lao động nghỉ việc hàng loạt.

- Khi vốn lưu động ròng bị thâm hụt, để có đủ nguồn lực thanh toán cho các khoản nợ ngắn hạn, Công ty sẽ cần sử dụng Tài sản dài hạn để thanh toán. Tuy nhiên, Tài sản dài hạn thường là các tài sản khó có khả năng thanh khoản cao như: Tài sản cố định: Nhà cửa vật kiến trúc, Máy móc thiết bị,... dẫn đến thời gian chuyển đổi thành tiền mặt sẽ dài và tốn kém nhiều chi phí.

Qua ý nghĩa của Vốn lưu động ta có thể thấy việc quản trị Vốn lưu động ròng là rất quan trọng, để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của Doanh nghiệp là thông suốt và liên tục.

4. Tỷ lệ vốn lưu động là gì?

Qua các phần trên các bạn đã hiểu được về bản chất và cách tính Vốn lưu động, tuy nhiên câu hỏi đặt ra là Vốn lưu động bao nhiêu là đủ. Chúng ta sẽ tìm hiểu thêm đến khái niệm Tỷ lệ vốn lưu động.

Tỷ lệ vốn lưu động (hay còn được gọi là Tỷ lệ Vốn luân chuyển) là chỉ tiêu phản ánh khả năng thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng các tài sản hiện có trong ngắn hạn.

5. Cách tính Tỷ lệ vốn lưu động:

Công thức xác định Tỷ lệ vốn lưu động như sau:

Tỷ lệ vốn lưu động = Tài sản ngắn hạn / Nợ ngắn hạn

Tỷ lệ này cho chúng ta biết Tài sản ngắn hạn bằng bao nhiêu lần so với Nợ ngắn hạn.

Nếu tỷ lệ vốn lưu động < 1: Thì chứng tỏ Vốn lưu động ròng sẽ âm (hay còn gọi là thâm hụt vốn lưu động).

Nếu 1 < tỷ lệ vốn lưu động <2: Chứng tỏ tình hình tài chính của Công ty đang duy trì ở mức tương đối ổn định, khả năng thanh toán tốt, và kiểm soát được dòng tiền cho cả ngắn hạn và dài hạn.

Nếu tỷ lệ vốn lưu động >2: Tức là Tài sản ngắn hạn hơn gấp 2 lần Nợ ngắn hạn, Thể hiện Doanh nghiệp đang có dòng tiền ngắn hạn rất mạnh, có khả năng thanh toán rất tốt cho các nhà cung cấp, tiền lương, nợ thuế,... và đảm bảo được hoạt động sản xuất kinh doanh diễn ra liên tục. Tuy nhiên, điều này cũng thể hiện, Công ty đang không có nhiều các hoạt động đầu tư vào Tài sản dài hạn nhằm mở rộng thêm hoạt động sản xuất kinh doanh như đầu tư mở rộng nhà máy, mua máy móc thiết bị, dây chuyền, đầu tư thêm các Công ty liên doanh, liên kết,... luồng tiền để ở Tài sản ngắn hạn nhiều sẽ cho lãi thu được thấp hơn so với đầu tư vào các Tài sản dài hạn.

Tóm lại: Tỷ lệ vốn lưu động > 1 thường là sẽ tốt, chứng minh Công ty đang có khả năng thanh toán tốt, đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được diễn ra liên tục, thông suốt.

​​​​​​​

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã hướng dẫn bạn đọc cùng tìm hiểu: Vốn lưu động là gì? và Cách tính Vốn lưu động, Một số thông tin hữu ích cần phải biết về Vốn lưu động....

Nếu các bạn đọc có câu hỏi gì, hãy để ở dưới phần bình luận, đội ngũ chuyên gia của Kiểm toán Thành Nam luôn sẵn sàng để hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc từ phía độc giả.

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo