Hotline: 0886856666

Quy chế, Quy trình Kiểm toán nội bộ - Mẫu Quy chế Kiểm toán nội bộ

(5/5) - 66 bình chọn.
07/11/2021 2224

 

Quy chế và Quy trình Kiểm toán nội bộ được nêu tại Điều 12, Nghị định về Kiểm toán Nội bộ số 05/2019/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 22/01/2019.

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Quy chế Kiểm toán Nội bộ - Quy trình Kiểm toán nội bộ và Mẫu Quy chế Kiểm toán nội bộ.

I. Quy chế Kiểm toán Nội bộ

1. Quy chế kiểm toán nội bộ bao gồm các thông tin sau:

Mục tiêu, phạm vi hoạt động, vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của bộ phận kiểm toán nội bộ trong đơn vị và mối quan hệ với các bộ phận khác;

Trong đó có các yêu cầu về:

  • Tính độc lập;
  • Tính khách quan;
  • Các nguyên tắc cơ bản;
  • Yêu cầu về trình độ chuyên môn;
  • Việc đảm bảo chất lượng của kiểm toán nội bộ và;
  • Các nội dung có liên quan khác.

2. Trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 05/2019/NĐ-CP về Kiểm toán Nội bộ, đơn vị phải xây dựng Quy chế Kiểm toán nội bộ phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị. Đơn vị được khuyến khích áp dụng các thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ nếu không có mâu thuẫn với các quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

3. Thẩm quyền ban hành Quy chế kiểm toán nội bộ là:

a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ đối với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập đối với các đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Hội đồng quản trị đối với các công ty niêm yết;

đ) Hội đồng quản trị đối với doanh nghiệp mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con;

e) Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty đối với các doanh nghiệp nhà nước là công ty mẹ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con.

II. Mẫu Quy chế Kiểm toán nội bộ:

Ngày 10/07/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 66/2020/TT-BTC, Ban hành Quy chế mẫu về Kiểm toán nội bộ áp dụng cho Doanh nghiệp.

Các bạn có thể tham khảo thêm Mẫu Báo cáo Kiểm toán nội bộ theo Thông tư số 66/2020/TT-BTC: TẠI ĐÂY

Tải Mẫu Báo cáo Kiểm toán Nội bộ: 

 

Tải mẫu Quy chế Kiểm toán Nội bộ

III. Quy trình kiểm toán nội bộ

1. Quy trình kiểm toán nội bộ bao gồm các nội dung sau đây:

  • Quy định và hướng dẫn chi tiết về phương thức đánh giá rủi ro;
  • Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ hàng năm;
  • Kế hoạch từng cuộc kiểm toán;
  • Cách thức thực hiện công việc kiểm toán;
  • Lập và gửi báo cáo kiểm toán;
  • Theo dõi, giám sát chỉnh sửa sau kiểm toán;
  • Theo dõi thực hiện kiến nghị sau kiểm toán;
  • Lưu hồ sơ, tài liệu kiểm toán nội bộ.

2. Trên cơ sở các quy định tại Nghị định về Kiểm toán Nội bộ số 05/2019/NĐ-CP, đơn vị phải xây dựng Quy trình kiểm toán nội bộ phù hợp với đặc thù hoạt động của đơn vị. Đơn vị được khuyến khích áp dụng các thông lệ quốc tế về kiểm toán nội bộ nếu không có mâu thuẫn với các quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác.

IV. Quy trình Kiểm toán nội bộ cụ thể:

Trưởng kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm xây quy trình kiểm toán nội bộ của doanh nghiệp và đảm bảo quy trình này được vận hành một cách hiệu quả. Nội dung chi tiết và các mẫu biểu của quy trình kiểm toán nội bộ có thể tùy thuộc vào quy mô của doanh nghiệp cũng như phạm vi và mức độ phức tạp của công tác kiểm toán nội bộ. Định kỳ, Trưởng kiểm toán nội bộ sẽ cập nhật quy trình kiểm toán nội bộ và chỉnh sửa phù hợp với những vấn đề mới phát sinh cũng những thay đổi trong hoạt động của doanh nghiệp.

Cuộc kiểm toán hoặc tư vấn là các nhiệm vụ, các công việc hoặc hoạt động rà soát cụ thể được giao cho kiểm toán nội bộ ví dụ như kiểm toán, rà soát việc tự đánh giá kiểm soát, kiểm tra phát hiện gian lận hoặc tư vấn. Một cuộc kiểm toán hoặc tư vấn có thể bao gồm nhiều nhiệm vụ hoặc nhiều hoạt động được thiết kế nhằm đạt được một loạt mục tiêu cụ thể có liên quan đến nhau.

Với mỗi cuộc kiểm toán hoặc tư vấn, quy trình kiểm toán nội bộ được chia thành bốn giai đoạn chính sau đây:

1. Lập kế hoạch kiểm toán nội bộ:

Chuẩn mực của IIA yêu cầu các kiểm toán viên nội bộ phải xây dựng và ghi chép một kế hoạch cho mỗi cuộc kiểm toán hoặc tư vấn bao gồm mục tiêu, phạm vi, thời gian và việc phân bổ nguồn lực. Các kiểm toán viên nội bộ sẽ lập biên bản ghi nhớ về kế hoạch để ghi lại các mục tiêu, phạm vi kiểm toán, đánh giá rủi ro và các nội dung ưu tiên kiểm toán. Biên bản ghi nhớ cũng là tài liệu quan trọng để trao đổi về mục tiêu, phạm vi kiểm toán và các thông tin quan trọng khác cho các thành viên trong nhóm kiểm toán.

2. Thực hiện Dịch vụ Kiểm toán Nội bộ:

Thông thường, những kiểm soát cơ bản sẽ được tiến hành ở giai đoạn thực hiện đã được xác định ở giai đoạn lập kế hoạch căn cứ vào việc đánh giá tính đầy đủ của thiết kế hệ thống kiểm soát nội bộ. Ở giai đoạn thực hiện kiểm toán, các kiểm toán viên nội bộ tiến hành những thử nghiệm kiểm soát cơ bản đó và ghi chép lại kết quả kiểm toán làm bằng chứng cho việc đánh giá hiệu quả quy trình kiểm soát nội bộ.

Trước khi thực hiện quy trình kiểm toán nội bộ, các kiểm toán viên xem xét:

  • Tài liệu kế hoạch kiểm toán để nắm rõ mục tiêu, phạm vi, chương trình kiểm toán bao gồm các thủ tục kiểm toán, thời gian và nguồn lực thực hiện kiểm toán. 
  • Các kỳ vọng của Hội đồng quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp để phản ảnh thông tin cần thiết nhằm đạt được mục tiêu kiểm toán. 
  • Các chính sách và quy định pháp lý liên quan đến thông tin cá nhân trước khi thực hiện kiểm toán tư vấn với luật sư của doanh nghiệp hoặc các chuyên gia để làm rõ các quan ngại và thắc mắc có thể nảy sinh khi truy cập thông tin cá nhân. 

Bằng chứng kiểm toán là những thứ kiểm toán viên thu được thông qua việc thực hiện các thủ tục quan sát, phỏng vấn và kiểm tra. Bằng chứng kiểm toán được sử dụng để làm căn cứ cho việc đưa ra kết luận và khuyến nghị đối với những phát hiện của kiểm toán. Bằng chứng kiểm toán có thể được chia thành các nhóm như sau: 

  • Bằng chứng thu được bằng việc quan sát con người, tài sản, sự kiện như là hình ảnh, phim chụp, sơ đồ, biểu đồ, bản đồ, các ghi chép kết quả quan sát. 
  • Bằng chứng có tính chứng thực như các thư từ, biên bản ghi nhớ, thư diện tử, các phản hồi từ các cuộc khảo sát, điều tra và phỏng vấn. Bằng chứng có thể là trả lời trực tiếp hoặc bằng văn bản. 
  • Bằng chứng dưới hình thức tài liệu là loại bằng chứng phổ biến nhất và bao gồm các thông tin được viết lại hoặc được cung cấp bởi các phương tiện truyền thông khác. 
  • Bằng chứng phân tích là các phân tích, xác nhận, tổng hợp, so sánh sử dụng thông tin được thu thập từ các nguồn khác nhau. Ví dụ như dữ liệu chuẩn của ngành, của các doanh nghiệp tương đương, kết quả của năm trước, quyết toán thuế v.v…

3. Báo cáo kết quả dịch vụ kiểm toán nội bộ:

Trưởng kiểm toán nội bộ phải thực hiện báo cáo định kỳ cho Hội đồng quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp. Tần suất và nội dung báo cáo tùy thuộc vào tầm quan trọng của báo cáo và mức độ cấp thiết của các hành động cần được lãnh đạo và Hội đồng quản trị thực hiện. Các kiểm toán viên nội bộ phải báo cáo kết quả theo các tiêu chí, chất lượng và các yêu cầu về việc phát hành cũng như gửi báo cáo. Ngoài ra, nếu có yêu cầu về việc đưa ra ý kiến tổng thể thì các kiểm toán viên nội bộ đưa ra ý kiến tổng thể theo đúng yêu cầu quy định.

Nội dung chi tiết của quy định về trao đổi thông tin và báo cáo kết quả tùy thuộc vào bản chất của từng doanh nghiệp và mức độ phức tạp của công tác kiểm toán nội bộ, nhưng thông thường sẽ bao gồm hướng dẫn liên quan đến trao đổi và báo cáo về:

  • Thông tin, quan sát và kết quả kiểm toán. 
  • Thông tin giữa kỳ và cuối kỳ. 
  • Theo dõi và giám sát. 
  • Các vi phạm pháp luật. 
  • Thông tin nhạy cảm. 
  • Thông tin với các bên liên quan bên ngoài doanh nghiệp.

4. Giám sát triển khai kết quả, thực hiện khuyến nghị của dịch vụ kiểm toán nội bộ:

Khi kết thúc cuộc kiểm toán nội bộ, các phát hiện và khuyến nghị cải tiến phải được trao đổi và báo cáo đến các cấp có liên quan của doanh nghiệp để có biện pháp khắc phục, sửa chữa sai sót kịp thời.

Giám sát triển khai kết quả thực hiện khuyến nghị kiểm toán là hoạt động các kiểm toán viên nội bộ kiểm tra xem các biện pháp sửa chữa, khắc phục sai sót đã được thực hiện chưa. 

Trưởng kiểm toán nội bộ sẽ thiết lập và duy trì một hệ thống kiểm soát về việc chuẩn bị giám sát và công tác giám sát kết quả triển khai khuyến nghị đã được báo cáo cho lãnh đạo doanh nghiệp. 

Quy trình giám sát có thể phức tạp hoặc đơn giản tùy thuộc vào một số các yếu tố bao gồm quy mô và mức độ phức tạp của doanh nghiệp cũng như việc sử dụng phần mềm theo dõi giám sát. Khi xây dựng quy trình này, Trưởng kiểm toán nội bộ cân nhắc những vấn đề sau: 

  • Mức độ tự động và chi tiết. 
  • Các loại phát hiện cần giám sát (cụ thể là tất cả hay là chỉ có những phát hiện có rủi ro cao). 
  • Cách thức và tần suất xác định tình trạng của các hành động/biện pháp khắc phục đang triển khai. 
  • Khi nào kiểm toán nội bộ xác nhận một cách độc lập tính hiệu quả của những biện pháp khắc phục. 
  • Tần suất, thể loại và mức độ báo cáo được thực hiện. 

Trưởng kiểm toán nội bộ xác định hình thức báo cáo kết quả giám sát dựa trên xét đoán chuyên môn của mình và những kỳ vọng đã được thỏa thuận. Các hình thức có thể gồm

  • Báo cáo chi tiết tình trạng của mọi phát hiện trong từng cuộc kiểm toán. 
  • Báo cáo tình trạng của những phát hiện được phân loại rủi ro cao. 
  • Báo cáo biện pháp khắc phục đã được hoàn thành và đánh giá chất lượng của chúng. 

Ngoài việc báo cáo tình trạng, các kiểm toán viên nội bộ còn có phân loại các biện pháp khắc phục theo quy trình kinh doanh hoặc theo chủ thể thực hiện, phản ảnh các số liệu thống kê như tỷ lệ phần trăm các biện pháp khắc phục đang theo dõi, quá hạn và đã hoàn thành đúng hạn. Đối với những biện pháp khắc phục yêu cầu phải đánh giá hiệu quả, các kiểm toán viên nội bộ báo cáo không chỉ biện pháp khắc phục đã được hoàn thành mà còn cả việc liệu biện pháp đó có khắc phục được vấn đề căn bản hay không. Nắm bắt và đo lường những cải tiến dựa vào việc thực thi những biện pháp khắc phục được xem là một thông lệ được áp dụng rộng rãi. 

Tần suất và phương pháp tiếp cận hoạt động giám sát được Trưởng kiểm toán nội bộ xác định trên cơ sở xét đoán chuyên môn của mình cũng như kỳ vọng của Hội đồng quản trị và lãnh đạo doanh nghiệp. Ngoài ra, phương pháp tiếp cận được xác định căn cứ vào mức độ rủi ro đã được đánh giá cũng như nguồn lực sẵn có. Một số ví dụ về tần suất và phương pháp tiếp cận: 

  • Theo dõi và cầu cập nhật định kỳ tình trạng của tất cả các biện pháp khắc phục phải được hoàn thành ở kỳ trước. 
  • Theo dõi định kỳ các cuộc kiểm toán có khuyến nghị quan trọng để đánh giá một cách cụ thể chất lượng của những biện pháp khắc phục đã được thực hiện. 
  • Theo dõi các biện pháp khắc phục đang được triển khai trong quá trình kiểm toán dự định sẽ triển khai tại chính đối tượng đó. 

Mặc dù các cấp quản lý có trách nhiệm cần có thời gian để thực hiện các biện pháp khắc phục, việc thu thập và tìm hiểu những công việc đang được triển khai nhìn chung được xem là hữu dụng để giúp các kiểm toán viên nội bộ có được một quy trình giám sát hiệu quả và năng suất.

 

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã chia sẻ đến bạn đọc: Quy chế Kiểm toán Nội bộ - Quy trình Kiểm toán nội bộ và Mẫu Quy chế Kiểm toán nội bộ.

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật
Hồ sơ năng lực

0886856666

Chat Zalo