Hotline: 0886856666

Bảng cân đối kế toán là gì? Bảng cân đối kế toán bao gồm gì? Nguyên tắc lập và Trình bày

(5/5) - 66 bình chọn.
01/11/2021 4491

 

Bảng cân đối kế toán là một phần trong Bộ Báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Và Bảng cân đối kế toán đóng một vai trò rất quan trọng giúp cho các Nhà đầu tư, Chủ sở hữu và Người sử dụng thông tin của doanh nghiệp có thể nắm được thông tin, tình hình tài chính của doanh nghiệp phục vụ cho việc ra quyết định chính xác nhất.

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Bảng cân đối kế toán là gì? Có những loại Bảng cân đối kế toán nào? Bảng cân đối kế toán bao gồm những gì? Nguyên tắc lập và trình bày Bảng cân đối kế toán.

I. Bảng cân đối kế toán là gì?

Bảng cân đối kế toán là một Báo cáo tài chính được lập định kỳ nhằm mục đích tổng hợp số liệu kế toán, phản ánh tình hình tài sản và nguồn vốn hiện có của mỗi doanh nghiệp. 

Mẫu Bảng cân đối kế toán
Mẫu Bảng cân đối kế toán theo Thông tư 200

II. Bảng cân đối kế toán tiếng Anh là gì?

Bảng cân đối kế toán tiếng Anh Balance sheet

Định nghĩa Bảng cân đối kế toán tiếng Anh là: Balance sheet is a financial statement prepared periodically for the purpose of consolidating accounting data, reflecting the current assets and capital of each enterprise.

III. Có những loại Bảng cân đối kế toán nào?

Bảng cân đối kế toán có các loại sau:

  • Bảng cân đối kế toán năm (Mẫu số B 01 - DN)
  • Bảng cân đối kế toán giữa niên độ dạng đầy đủ (Mẫu số B 01a – DN)
  • Bảng cân đối kế toán giữa niên độ (Mẫu số B 01b – DN)

Hiện nay, trong Hệ thống Báo cáo tài chính của doanh nghiệp bao gồm:

Các Báo cáo tài chính này cần được đọc đồng thời với nhau để có thể nắm được nhiều thông tin nhất về tình hình tài chính, tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó, Người sử dụng thông tin có thể đưa ra quyết định chính xác nhất.

IV. Bảng cân đối kế toán gồm những gì?

Bảng cân đối kế toán bao gồm: Tài sản và nguồn vốn.

Phần tài sản: Các tài sản được sắp xếp theo trật tự tính thanh khoản giảm dần, những tài sản có tính thanh khoản cao được sắp xếp ở vị trí đầu bảng và giảm dần khi di chuyển xuống dưới.

Phần nguồn vốn: Được sắp xếp theo tính cấp bách về yêu cầu hoàn trả. Do vậy các nguồn vốn được sắp xếp theo trật tự từ nguồn vốn nợ đến nguồn vốn chủ sở hữu. Nguồn vốn nợ bao gồm nguồn vốn chiếm dụng và nguồn vốn vay.

Tài sản bao gồm: Tài sản ngắn hạn và Tài sản dài hạn

Tài sản ngắn hạn bao gồm: Tiền và các khoản tương đương tiền, Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, Phải thu khách hàng, Hàng tồn kho, Tài sản ngắn hạn khác,....

Tài sản dài hạn bao gồm: Tài sản cố định, Chi phí xây dựng cơ bản dở dang, Các khoản đầu tư tài chính dài hạn, Tài sản dài hạn khác,...

Nguồn vốn: Nợ ngắn hạn, Nợ dài hạn và Vốn chủ sở hữu

Nợ ngắn hạn bao gồm: Phải trả người bán ngắn hạn, Người mua trả tiền trước ngắn hạn, Phải trả người lao động, Thuế và các khoản phải nộp nhà nước, Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn,....

Nợ dài hạn bao gồm: Phải trả người bán dài hạn, Người mua trả tiền trước dài hạn, Vay và nợ thuê tài chính dài hạn, Các khoản phải trả khác dài hạn,....

Vốn chủ sở hữu bao gồm: Vốn góp của chủ sở hữu, Lợi nhuận chưa phân phối, Các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu,...

V. Nguyên tắc lập và trình bày Bảng cân đối kế toán

1. Việc lập và trình bày Bảng cân đối kế toán phải tuân thủ các quy định tại Chuẩn mực kế toán số 21 “Trình bày Báo cáo tài chính” và các chuẩn mực kế toán khác có liên quan. Các thông tin trọng yếu phải được giải trình để giúp người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.

2. Bảng cân đối kế toán phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là hình thức pháp lý của các giao dịch và sự kiện đó (tôn trọng bản chất hơn hình thức).

3. Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.

4. Phân loại tài sản và nợ phải trả: Tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày thành ngắn hạn và dài hạn; Trong từng phần ngắn hạn và dài hạn, các chỉ tiêu được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần.

  • a) Tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại là ngắn hạn;
  • b) Những tài sản và nợ phải trả không được phân loại là ngắn hạn thì được phân loại là dài hạn.
  • c) Khi lập Bảng cân đối kế toán, kế toán phải thực hiện tái phân loại tài sản và nợ phải trả được phân loại là dài hạn trong kỳ trước nhưng có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo thành ngắn hạn.

5. Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt. Chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.

VI. Yêu cầu đối với thông tin trình bày trên Bảng cân đối kế toán

1. Thông tin trình bày trên Bảng cân đối kế toán phải phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp. Để đảm bảo sự trung thực, thông tin phải có 3 tính chất là đầy đủ, khách quan, không có sai sót.

- Thông tin được coi là đầy đủ khi bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để giúp người sử dụng Bảng cân đối kế toán hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện. Đối với một số khoản mục, việc trình bày đầy đủ còn phải mô tả thêm các thông tin về chất lượng, các yếu tố và tình huống có thể ảnh hưởng tới chất lượng và bản chất của khoản mục.

- Trình bày khách quan là không thiên vị khi lựa chọn hoặc mô tả các thông tin tài chính. Trình bày khách quan phải đảm bảo tính trung lập, không chú trọng, nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ cũng như có các thao tác khác làm thay đổi mức độ ảnh hưởng của thông tin tài chính là có lợi hoặc không có lợi cho người sử dụng Bảng cân đối kế toán.

- Không sai sót có nghĩa là không có sự bỏ sót trong việc mô tả hiện tượng và không có sai sót trong quá trình cung cấp các thông tin báo cáo được lựa chọn và áp dụng. Không sai sót không có nghĩa là hoàn toàn chính xác trong tất cả các khía cạnh, ví dụ, việc ước tính các loại giá cả và giá trị không quan sát được khó xác định là chính xác hay không chính xác. Việc trình bày một ước tính được coi là trung thực nếu giá trị ước tính được mô tả rõ ràng, bản chất và các hạn chế của quá trình ước tính được giải thích và không có sai sót trong việc lựa chọn số liệu phù hợp trong quá trình ước tính.

2. Thông tin tài chính phải thích hợp để giúp người sử dụng Bảng cân đối kế toán dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế.

3. Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin đư­ợc coi là trọng yếu trong trư­ờng hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.

4. Thông tin phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.

5. Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; So sánh được giữa các doanh nghiệp với nhau.

 

Qua đây, Kiểm toán Thành Nam đã chia sẻ đến bạn đọc Bảng cân đối kế toán là gì? Có những loại Bảng cân đối kế toán nào? Bảng cân đối kế toán bao gồm những gì? Nguyên tắc lập và trình bày Bảng cân đối kế toán.

 

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo