Hotline: 0886856666

IFRS 8 - Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 8 - Bản tiếng Việt

(5/5) - 66 bình chọn.
23/09/2021 2767

 

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 8 (IFRS 8) - Bản tiếng Việt - Các bộ phận hoạt động

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 8, Các bộ phận hoạt động (IFRS 8) được trình bày trong các đoạn từ 1-37 và Phụ lục A và B. Tất cả các đoạn văn có giá trị ngang nhau. Các đoạn văn được bôi đậm đề cập đến các nguyên tắc cơ bản. Giải thích chi tiết cho các thuật ngữ được liệt kê trong Bộ thuật ngữ Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế. IFRS 8 nên được nghiên cứu kết hợp các Nguyên tắc căn bản và các Căn cứ cho Kết luận, Phần mở đầu của IFRS và Khung lý thuyết về Báo cáo Tài chính. Trong điều kiện thiếu vắng các chỉ dẫn cụ thể thì IAS 8, Các chính sách kế toán, Những thay đổi về ước lượng và sai sót kế toán sẽ là cơ sở cho việc lựa chọn và áp dụng các chính sách kế toán.

Tải Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 8, Các bộ phận hoạt động (IFRS 8):

Tải Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 8, Các bộ phận hoạt động (IFRS 8)

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế số 8 (IFRS 8)

Các bộ phận hoạt động

Vào tháng 4 năm 2001 Ủy chuẩn mực kế toán quốc tế (sau đây gọi là Ủy ban) đã thông qua IAS 14, Báo cáo bộ phận- chuẩn mực được Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế phát hành lần đầu tiên vào tháng 8/1997. IAS 14, Báo cáo bộ phận, đã thay thế cho IAS 14 bản trước đó với tên gọi là Thông tin báo cáo tài chính theo bộ phận, ban hành vào tháng 8/1981.

Vào tháng 11 năm 2006 Ủy ban đã ban hành chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế số 8 (IFRS 8) để thay thế cho IAS 14. Chuẩn mực kế toán quốc tế số 1 về Trình bày báo cáo tài chính (được soát xét lại vào 2007) đã sửa đổi các thuật ngữ sử dụng xuyên suốt các chuẩn mực, bao gồm cả IFRS 8 này.

Các chuẩn mực kế toán khác đã có sự điều chỉnh sau khi có sự sửa đổi của IFRS 8. Các chuẩn mực đã được sửa đổi bao gồm IAS 19, Phúc lợi của nhân viên (ban hành tháng 6/2011), Những sửa đổi hàng năm cho các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế theo chu kỳ hai năm 2010-2012 (phát hành tháng 12/2013) và Những sửa đổi Danh mục tài liệu tham khảo cho Khung lý thuyết trong các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (phát hành tháng 3/2018).

Nguyên tắc nền tảng

  1. Một đơn vị sẽ công khai thông tin để đảm bảo cho người dùng báo cáo tài chính có thể đánh giá được bản chất và ảnh hưởng tài chính của các hoạt động kinh doanh mà đơn vị đã đăng ký và môi trường kinh tế mà đơn vị đó hoạt động.

Phạm vi

  1. Chuẩn mực IFRS 8 này sẽ được áp dụng cho:
  1. Các báo cáo tài chính riêng của một đơn vị kinh tế:
    1. có công cụ nợ hoặc công cụ vốn chủ sở hữu được giao dịch trên một thị trường niêm yết (một sàn giao dịch chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài hoặc một thị trường OTC, bao gồm các thị trường địa phương và khu vực), hoặc
    2. nộp hoặc đang trong quá trình nộp các báo cáo tài chính của đơn vị cho Ủy ban chứng khoán hoặc tổ chức quản lý tương tự với mục đích phát hành bất kỳ công cụ huy động vốn nào trên thị trường niêm yết, và
  2.  các báo cáo tài chính hợp nhất của một tập đoàn với công ty mẹ:
    1. có công cụ nợ hoặc công cụ vốn chủ sở hữu được giao dịch trên một thị trường niêm yết (một sàn giao dịch chứng khoán trong nước hoặc nước ngoài hoặc một thị trường OTC, bao gồm các thị trường địa phương và khu vực), hoặc
    2. nộp hoặc đang trong quá trình nộp các báo cáo tài chính của đơn vị với Ủy ban chứng khoán hoặc tổ chức quản lý tương tự với mục đích phát hành bất kỳ công cụ huy động vốn nào trên thị trường niêm yết
  1. Nếu một đơn vị không buộc phải áp dụng chuẩn mực này chọn công khai thông tin về các bộ phận, đơn vị đó sẽ không mô tả thông tin dưới dạng  thông tin bộ phận.
  2. Nếu một báo cáo tài chính bao gồm cả báo cáo tài chính hợp nhất của một tập đoàn thuộc phạm vi điều chỉnh của chuẩn mực này cùng với báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ, thì thông tin bộ phận chỉ được yêu cầu lập trong báo cáo tài chính hợp nhất.

Các bộ phận hoạt động

  1. Một bộ phận hoạt động là một thành phần của một đơn vị kinh tế:
  1. Tham gia vào các hoạt động kinh doanh mà qua đó nó có thể có được các khoản doanh thu và phát sinh các khoản chi phí (bao gồm cả doanh thu và chi phí liên quan đến các giao dịch với các thành phần khác của cùng một đơn vị kinh tế).
  2.  Có kết quả hoạt động thường xuyên được cân nhắc bởi Người điều hành giúp họ ra các quyết định về phân bổ các nguồn lực và đánh giá hiệu quả hoạt động của đơn vị đó, và
  3.  Thông tin tài chính của đơn vị có sẵn cho người dùng.

Một bộ phận hoạt động có thể tham gia vào các hoạt động kinh doanh nhưng vẫn chưa có doanh thu, ví dụ các hoạt động khởi nghiệp có thể là bộ phận hoạt động trước khi có được doanh thu/thu nhập.

  1. Không phải mọi bộ phận của đơn vị kinh tế là một bộ phận hoạt động hoặc một phần của bộ phận hoạt động. Ví dụ, một trụ sở công ty hoặc một phòng ban chức năng không có được các khoản doanh thu hoặc có thể có những khoản doanh thu/thu nhập nhưng chỉ là khoản thu bất thường so với các hoạt động của đơn vị sẽ không phải là bộ phận hoạt động. Với mục đích của chuẩn mực này, một quỹ lợi ích sau khi nghỉ việc của một đơn vị kinh tế không được gọi là các bộ phận hoạt động.
  2. Thuật ngữ “Người điều hành” xác định một chức năng, không nhất thiết là một người quản lý với chức danh cụ thể. Chức năng đó nhằm phân bổ các nguồn lực cho các bộ phận và đánh giá hiệu quả hoạt động của các bộ phận hoạt động của một đơn vị kinh tế. Thông thường Người điều hành của một đơn vị kinh tế là giám đốc điều hành hoặc giám đốc hoạt động, nhưng cũng có thể là ban giám đốc với nhiều thành viên.
  3. Đối với nhiều đơn vị, ba đặc điểm của các bộ phận hoạt động được mô tả trong đoạn 5 xác định rõ ràng các bộ phận hoạt động của đơn vị đó. Tuy nhiên, một đơn vị có thể lập các báo cáo theo đó các hoạt động kinh doanh được trình bày theo nhiều cách thức khác nhau. Nếu Người điều hành sử dụng nhiều tập hợp thông tin bộ phận, những nhân tố xác định có thể hợp thành một tập hợp các thông tin của một bộ phận hoạt động của đơn vị, bao gồm bản chất của các hoạt động kinh doanh, người quản lý chịu trách nhiệm cho các hoạt động đó, và thông tin trình bày phục vụ cho Người điều hành.
  4. Nói chung, một bộ phận hoạt động có một người quản lý chịu trách nhiệm trực tiếp và duy trì liên hệ thường xuyên với Người điều hành để thảo luận về các hoạt động, các kết quả tài chính, các dự báo, hoặc các kế hoạch tương lai cho từng bộ phận. Thật ngữ Quản lý bộ phận xác định một chức năng và không nhất thiết là một người quản lý với một chức danh cụ thể. Người điều hành có thể là người quản lý cho một hoặc một số bộ phận hoạt động. Một người quản lý có thể là quản lý bộ phận cho nhiều hơn một bộ phận hoạt động. Nếu các đặc điểm đã mô tả ở đoạn 5 áp dụng cho nhiều hơn một tập hợp các thành phần của một tổ chức nhưng chỉ có một tập hợp mà tại đó các Quản lý bộ phận giữ trách nhiệm, thì tập hợp các thành phần đó thiết lập nên các bộ phận hoạt động.
  5. Các đặc điểm giới thiệu trong đoạn 5 có thể áp dụng cho hai hoặc nhiều hơn các tập hợp với sự giao thoa về thành phần mà tại đó người quản lý chịu trách nhiệm. Cấu trúc đó đôi lúc được coi như là hình thức ma trận của tổ chức. Ví dụ, trong một số đơn vị, một số nhà quản lý chịu trách nhiệm cho các dây chuyền sản phẩm và dịch vụ toàn cầu, trong khi đó một số nhà quản lý khác chịu trách nhiệm về một khu vực địa lý nhất định. Người điều hành thực hiện đánh giá định kỳ về kết quả hoạt động của hai tập hợp thành phần, và thông tin tài chính có sẵn cho cả hai. Trong trường hợp đó, đơn vị sẽ xác định tập hợp thành phần nào thiết lập nên bộ phận hoạt động bằng cách đối chiếu với các nguyên tắc căn bản.

Các bộ phận phải báo cáo

  1. Một đơn vị sẽ báo cáo riêng thông tin về từng bộ phận hoạt động mà:
  1. Đã xác định tuân theo đoạn 5-10 hoặc kết quả từ việc tổng hợp hai hoặc nhiều hơn các bộ phận phù hợp với đoạn 12, và
  2. Vượt ngưỡng định lượng đề cập trong đoạn 13 dưới đây

Đoạn 14-19 cụ thể hóa các tình huống khác mà tại đó các thông tin của bộ phận hoạt động sẽ được báo cáo.

Các tiêu chuẩn tổng hợp

  1. Các bộ phận hoạt động thường công khai kết quả tài chính dài hạn nếu chúng có các đặc tính kinh tế tương tự nhau. Ví dụ, hai bộ phận hoạt động có các đặc tính kinh tế tương đồng nhau được kỳ vọng sẽ công khai chỉ tiêu lợi nhuận gộp bình quân dài hạn. Hai hoặc nhiều hơn hai bộ phận hoạt động có thể được tổng hợp vào một bộ phận hoạt động đơn lẻ nếu việc tổng hợp nhất quán với các nguyên tắc cốt lõi của chuẩn mực kế toán này. Các bộ phận có đặc điểm kinh tế tương đồng, và các bộ phận hoạt động tương đồng trong các mặt sau:
  1. Bản chất của sản phẩm và dịch vụ
  2. Bản chất của các quá trình sản xuất
  3. Loại hoặc nhóm khách hàng về sản phẩm và dịch vụ của đơn vị
  4. Phương pháp được sử dụng để phân phối sản phẩm hoặc cung cấp dịch vụ, và
  5. Trường điều kiện cho phép, bản chất của môi trường pháp lý, ví dụ ngân hàng, bảo hiểm, hoặc các dịch vụ công.

Các ngưỡng định lượng

  1. Một đơn vị kinh tế sẽ báo cáo riêng thông tin về một bộ phận hoạt động khi thỏa mãn bất kỳ một trong các ngưỡng định lượng dưới đây:
  1. Doanh thu được báo cáo của đơn vị đó, bao gồm cả doanh thu bán cho khách hàng bên ngoài và doanh thu bán nội bộ giữa các bộ phận, là 10% hoặc cao hơn ngưỡng được thiết lập cho doanh thu trong và ngoài đơn vị của tất cả các bộ phận hoạt động.
  2. Số lãi hoặc lỗ báo cáo là 10% hoặc cao hơn số lớn hơn trong hai giá trị của (i) lãi tổng hợp từ các bộ phận hoạt động không bị lỗ và (ii) lỗ báo cáo tổng hợp của các bộ phận hoạt động báo cáo lỗ.
  3. Tài sản của đơn vị là 10% hoặc nhiều hơn giá trị tài sản của các bộ phận hoạt động cộng lại.

Các đơn vị hoạt động mà không thỏa mãn các ngưỡng định lượng có thể được xem xét phải báo cáo và công khai một cách riêng biệt nếu người quản lý tin rằng thông tin về bộ phận có thể hữu ích cho người dùng báo cáo tài chính.

  1. Một đơn vị có thể kết hợp thông tin về các bộ phận hoạt động không thỏa mãn các ngưỡng định lượng với thông tin về các bộ phận hoạt động khác không đáp ứng được các ngưỡng định lượng để thiết lập các bộ phận phải báo cáo chỉ khi chúng có các đặc điểm kinh tế tương đồng và chia sẻ phần lớn các tiêu chí tổng hợp đã được liệt kê ở đoạn 12.
  2. Nếu tổng doanh thu với bên ngoài được các bộ phận hoạt động báo cáo chiếm tỷ trọng nhỏ hơn 75% tổng doanh thu của đơn vị, các bộ phận hoạt động bổ sung sẽ được coi là bộ phận báo cáo (thậm chí các bộ phận hoạt động này không thỏa mãn các tiêu chí đã nêu ở đoạn 13) cho đến khi ít nhất 75% doanh thu của đơn vị được công khai.
  3. Thông tin về các hoạt động kinh doanh và bộ phận hoạt động khác mà không buộc phải báo cáo sẽ phải kết hợp và trình bày trong một nhóm có tên là “tổng cộng các bộ phận khác” trình bày tách biệt với các khoản mục đối chiếu khác trong phần đối chiếu theo yêu cầu của đoạn 28. Nguồn gốc các khoản doanh thu được tính vào trong nhóm “tổng cộng các bộ phận khác” sẽ được trình bày.
  4. Nếu quản lý đánh giá rằng một bộ phận hoạt động đã được xác định là một bộ phận báo cáo trong kỳ kế toán ngay trước đó vẫn tiếp tục có ý nghĩa quan trọng, thì thông tin về bộ phận đó sẽ được tiếp tục báo cáo riêng trong kỳ hiện tại thậm chí bộ phận đó không còn thỏa mãn các tiêu chí về báo cáo được liệt kê trong đoạn 13.
  5. Nếu một bộ phận hoạt động được xác định là một đơn vị báo cáo trong năm hiện tại thỏa mãn các ngưỡng định lượng, dữ liệu bộ phận đã được trình bày trong năm trước với mục đích so sánh sẽ được trình bày lại và xem bộ phận báo cáo mới như là bộ phận báo cáo riêng, thậm chí bộ phận đó trong năm trước không thỏa mãn các tiêu chí báo báo đã nêu ở đoạn 13, trừ phi thông tin cần thiết không có sẵn và chi phí phát triển nó sẽ là quá cao.
  6. Có thể có một giới hạn mang tính thực tế cho các bộ phận báo cáo khi một đơn vị công khai thông tin riêng quá chi tiết. Mặc dầu không có giới hạn chính xác nào được xác định, vì số lượng bộ phận có thể báo cáo tuân theo đoạn 13 đến 18 nhiều hơn 10 bộ phận, đơn vị nên xem xét liệu đơn vị công khai vượt quá các giới hạn thực tế.

Công khai

  1. Một đơn vị sẽ công khai thông tin để đảm bảo cho người dùng báo cáo tài chính đánh giá bản chất và ảnh hưởng tài chính của các hoạt động kinh doanh mà đơn vị đó tham gia và môi trường kinh tế mà đơn vị đó đang hoạt động.
  2. Để một nguyên tắc trong đoạn 20 có hiệu lực, một đơn vị sẽ công khai các nội dung sau cho mỗi kỳ kế toán mà tại đó Báo cáo thu nhập toàn diện được trình bày:
    1. Thông tin chung như mô tả ở đoạn 22
    2. Thông tin báo cáo về lãi/lỗ của bộ phận, bao gồm doanh thu, chi phí đã được tính đến trong chỉ tiêu lãi/lỗ của bộ phận, tài sản, công nợ, và cơ sở đo lường đã được báo cáo, như được mô tả ở đoạn 23-27; và
    3. Đối chiếu tổng doanh thu của bộ phận, lãi hoặc lỗ được báo cáo, tài sản và công nợ của bộ phận và các khoản mục trọng yếu của bộ phận tương ứng với các khoản mục của đơn vị như mô tả trong đoạn 28.

Đối chiếu các khoản trên báo cáo tình hình tài chính của bộ phận báo cáo với các khoản mục tương ứng trên báo cáo tình hình tài chính của toàn đơn vị cần phải được thực hiện vào thời điểm mà báo cáo tình hình tài chính được trình bày. Thông tin cho các giai đoạn trước đó cần được trình bày lại theo như quy định ở đoạn 29 và 30.

Thông tin chung

  1. Một đơn vị sẽ công khai các thông tin dưới đây:
    1. Các nhân tố được sử dụng để nhận biết các bộ phận báo cáo của đơn vị, bao gồm cơ sở của tổ chức (ví dụ, liệu quản lý được lựa chọn để tổ chức đơn vị theo sản phẩm và dịch vụ, khu vực địa lý, môi trường pháp lý, hoặc một sự kết hợp các nhân tố và liệu các bộ phận hoạt động có được tổng hợp).

Các đánh giá của quản lý trong việc áp dụng tiêu chí tổng hợp được quy định trong đoạn 12. Điều này bao gồm mô tả ngắn gọn về các bộ phận hoạt động đã được tổng hợp theo cách thức này và các chỉ số kinh tế đã được sử dụng để xác định rằng các bộ phận hoạt động có cùng các đặc điểm kinh tế tương tự; và

  1. Các loại sản phẩm và dịch vụ mà qua đó bộ phận báo cáo có được doanh thu của mình.

Thông tin về lãi hoặc lỗ, tài sản và công nợ

  1. Một đơn vị sẽ trình bày chỉ tiêu lãi hoặc lỗ cho từng bộ phận báo cáo. Một đơn vị sẽ công khai chỉ tiêu tổng tài sản và công nợ cho từng bộ phận báo cáo nếu các khoản đó được cung cấp định kỳ cho Người điều hành. Một đơn vị cũng sẽ công khai các khoản dưới đây về từng bộ phận báo cáo nếu các khoản mục cụ thể được sử dụng để xác định lãi hoặc lỗ của bộ phận và được Người điều hành đánh giá, hoặc nếu không sẽ cung cấp định kỳ cho Người điều hành, ngay cả khi không bao gồm trong chỉ tiêu đo lường lãi hoặc lỗ của bộ phận đó.
    1. Doanh thu từ các khách hàng bên ngoài
    2. Doanh thu từ những giao dịch với các bộ phận hoạt động khác trong cùng đơn vị.
    3. Doanh thu tiền lãi
    4. Chi phí lãi vay
    5. Chi phí khấu hao TSCĐ hữu hình và vô hình
    6. Các khoản thu nhập và chi phí trọng yếu trình bày theo đoạn 97 của IAS 1, Trình bày báo cáo tài chính (theo bản được chỉnh sửa năm 2007).
    7. Phần lợi ích của đơn vị trong lãi hoặc lỗ của đơn vị trong liên doanh, liên kết được xác định theo phương pháp vốn chủ sở hữu.
    8. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc thu nhập; và
    9. Các khoản mục phi tiền tệ trọng yếu ngoài khấu hao TSCĐ hữu hình và vô hình.

Một đơn vị sẽ báo cáo doanh thu tách biệt với chi phí lãi vay cho mỗi bộ phận báo cáo trừ khi phần lớn doanh thu của bộ phận đến từ khoản lãi tiền gửi Người điều hành dựa chủ yếu vào doanh thu thuần lãi tiền gửi để đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ phận và ra quyết định về phân bổ nguồn lực cho bộ phận. Trong tình huống đó, một bộ phận sẽ báo cáo doanh thu lãi tiền gửi thuần (trừ chi phí lãi vay) và công khai rằng đơn vị đã làm như vậy.

  1. Một đơn vị sẽ công khai các khoản sau về từng bộ phận báo cáo nếu các khoản cụ thể được tính đến khi đo lường tài sản của bộ phận và được đánh giá bởi Người điều hành, hoặc nếu không sẽ cung cấp định kỳ cho Người điều hành, ngay cả khi không bao gồm trong chỉ tiêu tài sản của bộ phận đó:
    1. Giá trị khoản đầu tư trong đơn vị liên doanh, liên kết xác định bằng phương pháp vốn chủ sở hữu, và
    2. Giá trị các khoản bổ sung vào tài sản dài hạn[1] ngoài các công cụ tài chính, tài sản thuế thu nhập hoãn lãi, tài sản lợi ích xác định thuần (xem IAS lợi ích của người lao động) và các quyền phát sinh theo các hợp đồng bảo hiểm.

Đo lường và đánh giá

  1. Số lượng khoản mục mỗi bộ phận báo cáo sẽ là chỉ tiêu sử dụng cho Người điều hành nhằm quyết định phân bổ nguồn lực cho bộ phận và đánh giá hiệu quả hoạt động. Các khoản điều chỉnh và loại trừ được thực hiện khi lập báo cáo tài chính của bộ phận và việc phân bổ doanh thu, chi phí, và lãi lỗ khác của đơn vị cho các bộ phận hoạt động chỉ được thực hiện nếu chúng đã được bao gồm trong chỉ tiêu lãi hoặc lỗ của bộ phận mà Người điều hành sử dụng. Tương tự, chỉ những tài sản và công nợ được tính đến trong chỉ tiêu tài sản và công nợ của bộ phận nếu Người điều hành sử dụng các thông tin này. Nếu các khoản tiền được phân bổ cho lãi hoặc lỗ của bộ phận hoạt động thì tài sản hoặc công nợ sẽ được phân bổ cho bộ phận đó theo một cơ sở hợp lý.
  2. Nếu Người điều hành chỉ sử dụng chỉ tiêu lãi hoặc lỗ của bộ phận, tài sản hoặc công nợ bộ phận trong việc đánh giá hiệu quả hoạt động và quyết định phương pháp phân bổ nguồn lực thì lãi lỗ, tài sản và công nợ của bộ phận sẽ được báo cáo theo các chỉ tiêu đó. Nếu Người điều hành sử dụng nhiều hơn một tiêu chí của bộ phận về lãi hoặc lỗ, tài sản hoặc công nợ thì các chỉ tiêu báo cáo sẽ là những chỉ tiêu mà quản lý tin rằng chúng được xác định tuân theo các nguyên tắc đo lường nhất quán với những nguyên tắc đã được sử dụng để đo lường các chỉ tiêu tương ứng trên báo cáo tài chính của đơn vị.
  3. Một đơn vị sẽ giải thích về việc đánh giá lãi hoặc lỗ, tài sản và công nợ của bộ phận cho từng bộ phận báo cáo. Ở mức tối thiểu, một đơn vị sẽ cung cấp các nội dung sau:
    1. Cơ sở kế toán cho các nghiệp vụ giữa các bộ phận báo cáo
    2. Bản chất của những khoản khác biệt về lãi hoặc lỗ của bộ phận và khoản lãi hoặc lỗ trước thuế của đơn vị hoặc lợi nhuận và các hoạt động bị chấm dứt (nếu không rõ ràng theo những quy định đối chiếu ở đoạn 28). Những khác biệt này có thể bao gồm các chính sách kế toán và các phương pháp sử dụng để phân bổ chi phí phát sinh chung cần thiết để hiểu được thông tin bộ phận được báo cáo.
    3.  Bản chất của những khác biệt từ việc đánh giá tài sản của bộ phận hoạt động và tài sản của đơn vị (nếu không rõ ràng theo những quy định đối chiếu ở đoạn 28). Những khác biệt này có thể bao gồm các chính sách kế toán và phương pháp phân bổ tài sản sử dụng chung cần thiết cho bộ phận hoạt động đã báo cáo.
    4. Bản chất của bất kỳ khoản khác biệt nào phát sinh khi đánh giá công nợ của bộ phận báo cáo và công nợ của đơn vị báo cáo (nếu không rõ ràng theo những quy định đối chiếu ở đoạn 28). Những khác biệt này có thể bao gồm các chính sách kế toán và phương pháp phân bổ các khoản nợ sử dụng chung cần thiết cho bộ phận hoạt động đã báo cáo.
    5. Bản chất của bất kỳ khoản thay đổi từ các kỳ kế toán trước từ những phương pháp đánh giá đã sử dụng để xác định lãi hoặc lỗ bộ phận báo cáo và sự ảnh hưởng, nếu có, của những thay đổi này tới việc đo lường lãi hoặc lỗ bộ phận.
    6. Bản chất và ảnh hưởng của các khoản phân bổ không cân xứng tới các bộ phận phải báo cáo. Ví dụ, một đơn vị có thể phân bổ chi phí khấu hao cho một bộ phận mà không phân bổ các tài sản tương ứng cho bộ phận đó.

Đối chiếu/Các cân đối

  1. Một đơn vị sẽ cung cấp những cân đối liên quan đến tất cả các khoản sau:
    1. Tổng doanh thu của các bộ phận hoạt động trong tổng doanh thu của toàn đơn vị
    2. Tổng chỉ tiêu lãi hoặc lỗ của của các bộ phận báo cáo trong tổng số lãi hoặc lỗ trước thuế và hoạt động bị chấm dứt của đơn vị. Tuy nhiên, nếu một đơn vị phân bổ cho các bộ phận báo cáo những khoản như chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn vị sẽ phải đối chiếu tổng chỉ tiêu lãi hoặc lỗ với lãi hoặc lỗ của toàn đơn vị sau những khoản phân bổ đó.
    3. Tổng tài sản của các bộ phận báo cáo với tổng tài sản của toàn đơn vị nếu tài sản của bộ phận được báo cáo tuân theo quy định ở đoạn 23.
    4. Tổng công nợ của các bộ phận báo cáo với tổng công nợ của toàn đơn vị nếu công nợ bộ phận được báo cáo tuân theo đoạn 23.
    5. Tổng các khoản mục trọng yếu của các bộ phận báo cáo phải được công khai tương ứng với khoản mục của toàn đơn vị.

Tất cả các khoản mục trọng yếu được đối chiếu có thể được nhận biết và mô tả riêng.Ví dụ, giá trị của mỗi điều chỉnh trọng yếu bắt buộc để đảm bảo cân đối lãi hoặc lỗ của bộ phận báo cáo và đơn vị sẽ phải được nhận diện và mô tả tách biệt.

Trình bày lại thông tin đã báo cáo trước kia

  1. Nếu một đơn vị thay đổi cấu trúc tổ chức trong nội bộ theo cách thức dẫn đến quan hệ của đơn vị với các bộ phận báo cáo có sự thay đổi, thì những thông tin tương ứng về những kỳ kế toán trước kia, bao gồm cả giữa niên độ sẽ phải được trình bày lại trừ khi thông tin không sẵn có và chi phí để có được những thông tin này là quá cao. Việc xác định liệu thông tin là không sẵn có hoặc chi phí phát triển thông tin là quá cao sẽ được thực hiện cho từng khoản mục công khai đơn lẻ. Theo sau sự thay đổi của cấu trúc của các bộ phận phải báo cáo, một đơn vị sẽ công khai liệu nó đã trình bày lại các khoản mục tương ứng với thông tin bộ phận cho các giai đoạn trước kia hay không.
  2. Nếu một đơn vị đã thay đổi cấu trúc nội bộ theo cách thức làm cho cấu trúc của các bộ phận báo cáo thay đối và nếu thông tin bộ phận cho các kỳ trước, bao gồm cả giữa niên độ, không phải trình bày lại để phản ánh sự thay đổi, đơn vị sẽ công khai trong năm mà tại đó sự thay đổi xuất hiện thông tin bộ phận cho kỳ hiện tại theo cả cơ sở trước kia và cơ sở mới của các tổ chức đơn vị, trừ phi thông tin cần thiết không sẵn có và chi phí phát triển nó là quá cao.

Công khai toàn bộ đơn vị

  1. Đoạn 32-34 áp dụng cho tất cả các đơn vị thuộc quy định của chuẩn mực này bao gồm những đơn vị có một bộ phận hoạt động riêng. Một số hoạt động kinh doanh của các đơn vị không được tổ chức theo sản phẩm và dịch vụ liên quan hoặc sự khác biệt về khu vực địa lý. Các bộ phận phải báo cáo của các đơn vị đó có thể báo cáo doanh thu của các sản phẩm và dịch vụ khác nhau, hoặc có nhiều hơn một bộ phận báo cáo cung cấp thông tin về cùng nhóm sản phẩm và dịch vụ. Tương tự, các bộ phận hoạt động của một đơn vị có thể nắm giữ các loại tài sản ở các khu vực địa lý khác nhau báo cáo doanh thu từ khách hàng từ các địa bàn khác nhau, hoặc nhiều hơn một bộ phận báo cáo của đơn vị đó có thể hoạt động trong cùng khu vực địa lý. Thông tin yêu cầu công khai theo đoạn 32-34 sẽ phải trình bày chỉ khi đơn vị không cung cấp theo quy định của chuẩn mực này.

Thông tin về sản phẩm và dịch vụ

  1. Một đơn vị sẽ báo cáo doanh thu với khách hàng bên ngoài cho mỗi sản phẩm và dịch vụ, hoặc mỗi nhóm sản phẩm và dịch vụ tương tự, trừ khi những thông tin cần thiết là không sẵn có và chi phí để phát triển nó sẽ quá cao, khi đó thực tế sẽ phải công khai. Doanh thu báo cáo sẽ dựa trên thông tin tài chính được sử dụng để lập báo cáo tài chính của đơn vị.

Thông tin về các khu vực địa lý

  1. Một đơn vị sẽ báo cáo các thông tin địa lý sau đây, trừ phi các thông tin cần thiết không sẵn có hoặc chi phí để có được nó sẽ quá cao:
    1. Doanh thu từ khách hàng bên ngoài (1) từ đất nước mà đơn vị cư trú, và (ii) từ các cơ sở nước ngoài trong tổng doanh thu của toàn đơn vị. Nếu doanh thu từ khách hàng bên ngoài từ một quốc gia cụ thể mà có tính trọng yếu thì doanh thu đó sẽ được công khai một cách riêng biệt. Một đơn vị sẽ công khai cơ sở ghi nhận doanh thu chính từ các khách hàng bên ngoài theo từng quốc gia.
    2. Các tài sản dài hạn ngoài công cụ tài chính, tài sản thuế thu nhập hoãn lại, tài sản lợi ích nhân viên sau nghỉ việc, và các quyền phát sinh theo hợp đồng bảo hiểm (i) tại đất nước mà đơn vị cư trú và (ii) đặt tại tất cả các quốc gia nước ngoài trong đó thực thể nắm giữ tài sản. Nếu tài sản ở một quốc gia nước ngoài riêng biệt là trọng yếu thì tài sản sẽ phải được công khai riêng.

Số tiền báo cáo dựa trên thông tin tài chính đã được sử dụng để lập báo cáo tài chính của đơn vị. Nếu những thông tin cần thiết không sẵn có hoặc chi phí để có được thông tin đó quá cao thì thực tế đó sẽ phải được công khai. Một đơn vị có thể công khai, bên cạnh những thông tin yêu cầu của đoạn này, các thông tin tổng hợp theo địa bàn.

Thông tin về các khách hàng chủ yếu

  1.  Một đơn vị sẽ cung cấp thông tin về mức độ phụ thuộc của nó vào khách hàng chính. Nếu doanh thu từ những nghiệp vụ với một khách hàng bên ngoài duy nhất có số tiền chiếm 10% hoặc nhiều hơn tổng doanh thu của toàn đơn vị, đơn vị sẽ công khai thực tế đó, tổng doanh thu từ mỗi khách hàng, danh tính của bộ phận hoặc các bộ phận báo cáo doanh thu. Đơn vị không cần công khai danh tính của khách hàng chính hoặc tổng doanh thu mà mỗi bộ phận báo cáo từ khách hàng đó. Theo mục đích của chuẩn mực này, một nhóm các đơn vị được biết đến như là một đơn vị báo cáo dưới sự kiểm soát chung sẽ được xem như là một khách hàng duy nhất. Tuy nhiên, sự đánh giá/phán xét là cần thiết để đánh giá liệu chính phủ (bao gồm cả các cơ quan chính phủ và các cơ quan tương tự ở cấp độ địa phương, quốc gia hoặc quốc tế) và các đơn vị được biết đến như là đơn vị báo cáo chịu sự kiểm soát như là một khách hàng duy nhất. Trong việc đánh giá này, đơn vị báo cáo này sẽ xem xét mức độ hợp nhất kinh tế giữa các đơn vị đó.

Ngày chuyển đổi và có hiệu lực

  1. Một đơn vị sẽ áp dụng chuẩn mực này vào báo cáo tài chính năm cho giai đoạn bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2009. Áp dụng trước thời điểm này là được phép. Nếu một đơn vị áp dụng chuẩn mực này vào báo cáo tài chính cho một kỳ kế toán trước ngày 1/1/2009, đơn vị đó sẽ phải công khai thực tế đó.

35A. Đoạn 23 được sửa đổi theo Những sửa đổi đối với IFRS  ban hành tháng 4 năm 2009. Một đơn vị sẽ áp dụng những cải tiến này cho các giai đoạn kế toán năm bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2010. Những áp dụng sớm hơn là được phép. Nếu một đơn vị áp dụng sửa đổi cho các giai đoạn trước thì nó cần công khai thực tế đó.

  1. Thông tin bộ phận cho những năm trước, được báo cáo như là thông tin so sánh cho năm đầu tiên áp dụng (bao gồm cả việc áp dụng sửa đổi đoạn 23 ban hành 4/2009), sẽ phải trình bày lại cho phù hợp với những yêu cầu của chuẩn mực này, trừ khi thông tin cần thiết không có sẵn và chi phí để có được thông tin này sẽ quá cao.

36A. IAS 1 (như sửa đổi trong năm 2007) sửa đổi thuật ngữ sử dụng trong toàn bộ chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế. Bên cạnh đó IAS 1 đã sửa đổi đoạn 23(f). Một đơn vị sẽ áp dụng những thay đổi này cho năm kế toán bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2009. Nếu một đơn vị áp dụng IAS 1 (sửa đổi 2007) cho những năm kế toán trước đó, thì những sửa đổi của chuẩn mực sẽ được dụng cho những năm trước đó.

36B. IAS 24, Công khai bên liên quan (như sửa đổi năm 2009) sửa đổi đoạn 34 cho những năm kế toán bắt đầu hoặc sau ngày 1/1/2011. Nếu một đơn vị áp dụng IAS 24 (sửa đổi năm 2009) cho một giai đoạn trước đó, đơn vị sẽ áp dụng sửa đổi của đoạn 34 cho giai đoạn trước kia đó.

36C. Những sửa đổi hàng năm đối với IFRS chu kỳ 2010-2012, ban hành vào 12/2013, sửa đổi đoạn 22 và 28. Một đơn vị sẽ áp dụng những sửa đổi này cho kỳ kế toán năm bắt đầu hoặc sau ngày 1/7/2014. Áp dụng sớm hơn là được phép. Nếu một đơn vị áp dụng những sửa đổi này cho những giai đoạn trước kia thì đơn vị phải công khai thực tế này.

Hết hiệu lực IAS 14

Chuẩn mực IFRS 8 này thay thế cho IAS 14, Báo cáo bộ phận

Phụ lục A: Thuật ngữ được định nghĩa

Phụ lục này là một phần không thể thiếu của IFRS 8

Bộ phận hoạt động    Một bộ phận hoạt động là một thành phần của một đơn vị:

  1. tham gia vào các hoạt động kinh doanh mà từ đó có thể có được doanh thu và thu nhập và cũng làm phát sinh chi phí (bao gồm cả doanh thu và chi phí liên quan đến các giao dịch với các bộ phận khác cùng đơn vị).
  2. có kết quả hoạt động thường xuyên được xem xét bởi Người điều hành nhằm đưa ra quyết định phân bổ nguồn lực cho các bộ phận và đánh giá hiệu quả hoạt động của bộ phận đó, và
  3. thông tin tài chính riêng biệt là sẵn có

Phụ lục B: Sửa đổi các IFRS khác

Các sửa đổi trong phụ lục này sẽ được áp dụng cho các giai đoạn hàng năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1/1/2009. Nếu một đơn vị áp dụng IFRS này cho một năm sớm hơn thời gian trên, những sửa đổi này sẽ được áp dụng cho năm sớm hơn đó. Trong các đoạn được sửa đổi, văn bản mới được gạch chân và đoạn văn bị bỏ sẽ bị gạch giữa.

*********

Những sửa đổi trong phụ lục này khi chuẩn mực IFRS 8 này được ban hành năm 2006 đã được hợp nhất vào văn bản của các chuẩn mực có liên quan trong lần xuất bản này.

Sự chấp thuận của Ủy bản đối với IFRS 8 ban hành vào tháng 11 năm 2006

Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế IFRS số 8, Các bộ phận hoạt động được chấp thuận phát hành bởi 11 trong số 13 thành viên của Ủy ban chuẩn mực kế toán quốc tế. Messrs  Gélard và Leisenring không chấp thuận. Quan điểm không đồng ý của họ đã được bày tỏ sau phần Cơ sở cho các Kết luận.

Ngài David Tweedie

Chủ tịch

Thomas E Jones

Phó Chủ tích

Mary E Barth

 

Hans-Georg Bruns

 

Anthony T Cope

 

Jan Engstrom

 

Robert P Gélard

 

James J Leisenring

 

Warren J McGregor

 

Patricia L O’Malley

 

John T Smith

 

Tatsumi Yamada

 

 [1] Với những tài sản phân loại theo tính thanh khoản, tài sản dài hạn là những tài sản mà giá trị kỳ vọng được thu hồi sau 12 tháng sau giai đoạn báo cáo.

 

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 8 (IFRS 8) - Bản tiếng Việt - Các bộ phận hoạt động

Nếu quý độc giả có bất kỳ thắc mắc gì về văn bản, hãy bình luận bên dưới, các chuyên gia của Thành Nam luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc.

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo