Hotline: 0886856666

Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 6 (IFRS 6) - Bản tiếng Việt

(5/5) - 66 bình chọn.
23/09/2021 2459

 

Vào tháng 12 năm 2004, Uỷ Ban Chuẩn mực Kế toán Quốc tế ban hành IFRS 6 Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản. Một số chuẩn mực khác thay đổi cũng ảnh hưởng nhỏ đến IFRS 6, bao gồm Các thay đổi đối với các tham chiếu đến Khuôn khổ khái niệm trong các chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (ban hành tháng 3 năm 2018).

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 6 (IFRS 6) - Bản tiếng Việt - Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản

Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế số 6 Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản (IFRS 6) được trình bày từ đoạn 1 đến đoạn 27 và Phụ lục A và B. Tất cả các đoạn có giá trị như nhau. Các đoạn in đậm trình bày các nguyên tắc chính. Các thuật ngữ được định nghĩa trong Phụ lục A được in nghiêng lần đầu tiên chúng xuất hiện trong Chuẩn mực. Định nghĩa các thuật ngữ khác được giới thiệu trong phần Thuật ngữ dành cho các Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế. IFRS 6 nên được đọc trong bối cảnh phù hợp với mục tiêu của chuẩn mực, Cơ sở cho các kết luận, Lời nói đầu Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế, và Khuôn khổ khái niệm trong các chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế. IAS 8 Chính sách kế toán, thay đổi trong Ước tính kế toán và Sai sót đưa ra cơ sở lựa chọn và áp dụng chính sách kế toán trong trường hợp thiếu các hướng dẫn cụ thể.

Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế số 6 (​​​​​​​IFRS 6)

Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản

 

Mục tiêu

1.          Mục tiêu của chuẩn mực IFRS 6 là xác định việc lập báo cáo tài chính cho hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.

2.          Cụ thể, chuẩn mực này yêu cầu:​​​​​​​

  1. hạn chế cải thiện về các hoạt động kế toán hiện hành đối với các khoản chi cho hoạt động thăm dò và đánh giá.
  2. các đơn vị ghi nhận các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá phải xem xét sự suy giảm giá trị của tài sản theo chuẩn mực này và xác định giá trị suy giảm theo IAS 36 Tổn thất tài sản.
  3. các thuyết minh chỉ rõ và giải thích giá trị đang được trình bày trên báo cáo tài chính của đơn vị phát sinh từ việc thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản và giúp người sử dụng báo cáo tài chính hiểu về giá trị, thời gian và sự chắc chắn của các dòng tiền trong tương lai từ các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá đã được ghi nhận trên báo cáo tài chính.

Phạm vi

3.            Đơn vị sẽ áp dụng chuẩn mực IFRS 6 cho các khoản chi cho hoạt động thăm dò và đánh giá đã phát sinh.

4.            Chuẩn mực này không đề cập đến các khía cạnh kế toán khác khi đơn vị tham gia vào việc thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.

5.            Đơn vị sẽ không áp dụng chuẩn mực này cho các khoản chi phát sinh:

  1. trước khi thực hiện thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản, ví dụ như các khoản chi phát sinh trước khi đơn vị giành được quyền hợp pháp để thăm dò tại một khu vực cụ thể.
  2. sau khi tính khả thi về mặt kỹ thuật và khả năng thu lợi nhuận từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản được xác định.

Ghi nhận các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá

Miễn trừ tạm thời đối với đoạn 11 và 12 của IAS 8

6.            Khi xây dựng chính sách kế toán, đơn vị ghi nhận các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá sẽ áp dụng đoạn 10 của IAS 8 Chính sách kế toán, thay đổi về ước tính và sai sót kế toán.

7.            Đoạn 11 và 12 của IAS 8 chỉ rõ nguồn của các yêu cầu và hướng dẫn mang tính bắt buộc mà Ban Giám đốc phải xem xét khi xây dựng chính sách kế toán cho một khoản mục nếu không có chuẩn mực nào hướng dẫn chi tiết cho khoản mục đó. Theo các đoạn 9 và 10 dưới đây, chuẩn mực này cho phép đơn vị không phải áp dụng đoạn 11 và 12 của IAS 8 khi ghi nhận và xác định giá trị của các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá.

Xác định giá trị của các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá

Xác định giá trị tại ngày ghi nhận ban đầu

8.            Các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá sẽ được ghi nhận theo giá gốc.

Các thành tố của chi phí hình thành nên các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá

9.            Đơn vị sẽ xác định chính sách kế toán trong đó chỉ rõ những chi phí nào được ghi nhận là tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá; và áp dụng chính sách kế toán đó một cách nhất quán. Để xác định chính sách kế toán, đơn vị cân nhắc mức độ liên quan của các khoản chi tới việc tìm kiếm các tài nguyên khoáng sản cụ thể. Dưới đây là các ví dụ về các khoản chi có thể đưa vào giá trị ban đầu của các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá (danh sách này không phải là toàn bộ):

  1. mua các quyền để thực hiện thăm dò;
  2. nghiên cứu địa hình, địa chất, địa hóa và địa vật lý;
  3. khoan thăm dò;
  4. đào hào;
  5. lấy mẫu; và
  6. các hoạt động liên quan đến đánh giá tính khả thi về mặt kỹ thuật và khả năng thu lợi nhuận từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản.

10.          Các khoản chi liên quan đến việc phát triển tài nguyên khoáng sản sẽ không được ghi nhận là tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá. Khuôn khổ khái niệm về lập báo cáo tài chính và IAS 38 Tài sản vô hình cung cấp hướng dẫn về việc ghi nhận tài sản phát sinh từ hoạt động phát triển này.

11.          Theo IAS 37 Các khoản dự phòng, nợ tiềm tàng và tài sản tiềm tàng, đơn vị ghi nhận các nghĩa vụ về tháo dỡ và hoàn nguyên phát sinh trong một giai đoạn cụ thể do kết quả của việc thực hiện thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.

Xác định giá trị sau ghi nhận ban đầu

12.          Sau khi ghi nhận ban đầu, đơn vị có thể áp dụng mô hình giá gốc hoặc mô hình đánh giá lại đối với các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá. Nếu đơn vị áp dụng mô hình đánh giá lại (mô hình trong IAS 16 Bất động sản, nhà xưởng và thiết bị” hoặc mô hình trong IAS 38) thì mô hình đó sẽ phải được áp dụng nhất quán với việc phân loại tài sản (xem đoạn 15).

Thay đổi các chính sách kế toán

13.          Đơn vị có thể thay đổi các chính sách kế toán của mình liên quan đến các khoản chi cho hoạt động thăm dò và đánh giá nếu việc thay đổi làm cho báo cáo tài chính phù hợp hơn với nhu cầu ra quyết định của người sử dụng thông tin tài chính và không làm suy giảm hoặc làm gia tăng tính đáng tin cậy và không làm giảm đi sự phù hợp với những nhu cầu đó. Đơn vị phải đánh giá tính phù hợp và đáng tin cậy dựa vào các tiêu chí trong IAS 8.

14.          Để giải trình cho việc thay đổi các chính sách kế toán liên quan tới các khoản chi cho hoạt động thăm dò và đánh giá, đơn vị phải chứng minh được rằng việc thay đổi đó làm cho báo cáo tài chính đáp ứng tốt hơn các tiêu chí trong IAS 8, nhưng không nhất thiết phải tuân thủ toàn bộ các tiêu chí đó.

 

Trình bày

Phân loại các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá

15.          Đơn vị sẽ phân loại các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá là tài sản hữu hình hoặc vô hình dựa vào bản chất của các tài sản có được và áp dụng việc phân loại này một cách nhất quán.

16.          Một số tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá được xem là tài sản vô hình (ví dụ như các quyền khoan), trong khi các tài sản khác được xem là hữu hình (ví dụ như phương tiện vận chuyển và giàn khoan). Trong trường hợp tài sản hữu hình được sử dụng để phát triển tài sản vô hình, giá trị tương ứng cho việc sử dụng tài sản hữu hình đó được xem là một phần nguyên giá của tài sản vô hình. Tuy nhiên, việc sử dụng tài sản hữu hình để phát triển tài sản vô hình không làm thay đổi tài sản hữu hình thành tài sản vô hình.

Phân loại lại các tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá

17.          Một tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá sẽ không còn được phân loại như vậy khi tính khả thi về mặt kỹ thuật và khả năng thu lợi nhuận từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản được chứng minh. Các tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá sẽ được xem xét về sự suy giảm giá trị, và bất kỳ khoản lỗ nào do suy giảm giá trị sẽ được ghi nhận trước khi phân loại lại tài sản.

Suy giảm giá trị

Ghi nhận và xác định giá trị

18.          Các tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá sẽ được xem xét về sự suy giảm giá trị khi các sự kiện và tình huống cho thấy rằng giá trị còn lại của tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá có khả năng vượt quá giá trị có thể thu hồi của các tài sản đó. Khi các sự kiện và tình huống cho thấy rằng giá trị còn lại vượt quá giá trị có thể thu hồi, đơn vị sẽ xác định, trình bày và thuyết minh khoản lỗ do suy giảm giá trị theo quy định của IAS 36, trừ khi được quy định tại đoạn 21 dưới đây.

19.          Chỉ đối với các tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá, đơn vị sẽ áp dụng đoạn 20 của chuẩn mực này thay cho đoạn 8-17 của IAS 36 khi xác định một tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá có khả năng bị suy giảm giá trị. Đoạn 20 sử dụng thuật ngữ “tài sản” nhưng áp dụng như nhau cho các tài sản riêng lẻ phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá hoặc một đơn vị tạo tiền.

20.          Một hoặc nhiều hơn các sự kiện và tình huống dưới đây cho thấy đơn vị nên xem xét sự suy giảm giá trị của các tài sản phát sinh từ các hoạt động thăm dò và đánh giá (danh sách này không phải là toàn bộ):

  1. giai đoạn mà đơn vị có quyền để thăm dò tại một khu vực cụ thể đã hết hạn, hoặc sẽ hết hạn trong tương lai gần và dự kiến sẽ không được gia hạn.
  2. các chi phí đáng kể không nằm trong ngân sách hoặc kế hoạch cho hoạt động thăm dò và đánh giá về thêm tài nguyên khoáng sản tại một khu vực cụ thể.
  3. việc thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản tại một khu vực cụ thể không dẫn đến phát hiện sản lượng tài nguyên khoáng sản có khả năng kinh tế và đơn vị đã quyết định ngừng các hoạt động tại khu vực đó.
  4. có đầy đủ dữ liệu chỉ ra rằng mặc dù hoạt động phát triển tại một khu vực cụ thể có thể được tiến hành nhưng giá trị còn lại của tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá có khả năng không được thu hồi hoàn toàn nếu việc phát triển thành công đó hoặc bằng cách bán đi.

Trong trường hợp như vậy hoặc các trường hợp tương tư, đơn vị sẽ thực hiện kiểm tra việc suy giảm giá trị theo quy định tại IAS 36. Các khoản lỗ do suy giảm giá trị được ghi nhận vào chi phí theo quy định tại IAS 36.

Xác định cấp cần xem xét việc suy giảm giá trị của các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá

21.          Đơn vị sẽ quyết định chính sách kế toán cho việc phân bổ tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá vào các đơn vị tạo tiền hoặc nhóm các đơn vị tạo tiền khi xem xét sự suy giảm giá trị của các tài sản đó. Mỗi đơn vị tạo ra tiền hoặc nhóm các đơn vị tạo tiền được phân bổ tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá sẽ không lớn hơn một bộ phận kinh doanh theo quy định của IFRS 8 Bộ phận kinh doanh.

22.          Cấp theo xác định của đơn vị cần xem xét việc giá sự suy giảm giá trị của các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá có thể gồm cho một hoặc nhiều đơn vị tạo tiền.

Công bố thông tin

23.          Đơn vị sẽ công bố thông tin nhằm xác định và giải thích giá trị được ghi nhận trên báo cáo tài chính phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.

24.          Để tuân thủ đoạn 23, đơn vị sẽ trình bày:

  1. các chính sách kế toán của đơn vị đối với các khoản chi cho hoạt động thăm dò và đánh giá bao gồm việc ghi nhận các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá.
  2. giá trị tài sản, nợ phải trả, thu nhập và chi phí cũng như các dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và dòng tiền đầu tư phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản.

25.          Đơn vị sẽ xem các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá là một loại tài sản riêng biệt và thực hiện công bố thông tin theo yêu cầu của IAS 16 hoặc IAS 38 một cách nhất quán với cách mà các tài sản đó được phân loại.

Ngày hiệu lực

26.          Đơn vị sẽ áp dụng chuẩn mực này cho các kỳ kế  toán hàng năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2006. Việc áp dụng sớm được khuyến khích. Nếu đơn vị áp dụng IFRS này cho kỳ bắt đầu trước ngày 1 tháng 1 năm 2006 thì phải công bố việc áp dụng này.

26A.       Các thay đổi đối với các tham chiếu đến Khuôn khổ khái niệm trong các chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế, ban hành năm 2018, sửa đổi đoạn 10. Đơn vị sẽ áp dụng thay đổi này cho kỳ kế toán hàng năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2020. Việc áp dụng sớm được cho phép nếu cùng lúc đơn vị cũng áp dụng các sửa đổi khác trong Các thay đổi đối với các tham chiếu đến Khuôn khổ khái niệm trong các chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế. Đơn vị sẽ áp dụng hồi tố việc sửa đổi IFRS 6 theo quy định tại IAS 8 Chính sách kế toán, thay đổi trong Ước tính kế toán và Sai sót. Tuy nhiên, nếu đơn vị thấy rằng việc áp dụng hồi tố là không thể thực hiện được hoặc tiêu tốn nhiều chi phí và công sức không cần thiết, đơn vị sẽ áp dụng sự thay đổi này của IFRS 6 bằng cách tham chiếu đến các đoạn 23-38, 50-53 và 54F của IAS 8.

 

Điều khoản chuyển tiếp

27.          Nếu việc áp dụng các quy định của đoạn 18 về thông tin so sánh có liên quan đến nhiều kỳ bắt đầu từ trước ngày 1 tháng 1 năm 2006 là không thể thực hiện được, đơn vị sẽ thuyết minh việc đó. IAS 8 có giải thích thuật ngữ “không thể thực hiện”.

 

Phụ lục A: Định nghĩa các thuật ngữ

Phụ lục này là một bộ phận không thể tách rời của chuẩn mực này.

Các tài sản phát sinh từ hoạt động thăm dò và đánh giá

Các khoản chi thăm dò và đánh giá được ghi nhận là tài sản phù hợp với chính sách kế toán của đơn vị.

Các khoản chi cho hoạt động thăm dò và đánh giá

Các khoản chi phát sinh bởi một đơn vị liên quan đến việc thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản trước khi chứng minh được tính khả thi kỹ thuật và khả năng thương mại của việc khai thác tài nguyên khoáng sản.

Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản

Hoạt động tìm kiếm các nguồn tài nguyên khoáng sản, bao gồm khoáng sản, dầu, khí tự nhiên và các nguồn tài nguyên không tái sinh tương tự sau khi đơn vị đã giành được quyền hợp pháp để thăm dò tại một khu vực cụ thể, cũng như việc xác định tính khả thi về kỹ thuật và khả năng thu lợi nhuận từ việc khai thác một nguồn tài nguyên khoáng sản.

 

Phụ lục B: Sửa đổi các IFRS khác

Các thay đổi trong phụ lục này sẽ được áp dụng cho kỳ kế toán hàng năm bắt đầu vào hoặc sau ngày 1 tháng 1 năm 2006. Nếu đơn vị áp dụng chuẩn mực này cho kỳ kế toán sớm hơn, các thay đổi này sẽ được áp dụng cho kỳ kế toán được áp dụng sớm đó.

*****

Các thay đổi được bao gồm trong phụ lục này khi chuẩn mực này được ban hành vào năm 2004 đã được kết hợp trong các IFRS có liên quan xuất bản trong tập này.

 

IFRS 6 Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản được phê chuẩn bởi 10/14 thành viên của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế. Các ông Garnett, Leisenring, McGregor và Smith không đồng ý. Ý kiến phản đối của các ông được mô tả sau phần Cơ sở kết luận.

 

Ngài David Tweedie                                                              Chủ tịch

Thomas E Jones                                                                      Phó chủ tịch

Mary E Barth

Hans-Georg Bruns

Anthony T Cope

Jan Engstrom

Robert P Garnett

Gilbert Gélard

James J Leisenring

Warren J McGregor

Patricia L O’Malley

Harry K Schmid

John T Smith

Geoffrey Whittington

Tatsumi Yamada

 

Phê chuẩn bởi Ủy ban về các sửa đổi của IFRS 1 và IFRS 6 được ban hành vào tháng 6 năm 2005

Các sửa đổi của IFRS 1 Áp dụng lần đầu các chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế và của IFRS 6 Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản được phê chuẩn bởi 14 thành viên của Ủy ban Chuẩn mực kế toán quốc tế.

 

Ngài David Tweedie                                                              Chủ tịch

Thomas E Jones                                                                      Phó chủ tịch

Mary E Barth

Hans-Georg Bruns

Anthony T Cope

Jan Engstrom

Robert P Garnett

Gilbert Gélard

James J Leisenring

Warren J McGregor

Patricia L O’Malley

John T Smith

Geoffrey Whittington

Tatsumi Yamada

 

Qua bài viết này, Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế số 6 (IFRS 6) - Bản tiếng Việt - Thăm dò và đánh giá tài nguyên khoáng sản

Nếu quý độc giả có bất kỳ thắc mắc gì về văn bản, hãy bình luận bên dưới, các chuyên gia của Thành Nam luôn sẵn sàng giải đáp mọi thắc mắc.​​​​​​​

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo