Hotline: 0886856666

Chuyển giá là gì? Mục đích và các hình thức chuyển giá? Biện pháp kiểm soát Chuyển giá tại Việt Nam

(5/5) - 66 bình chọn.
18/11/2021 1743

 

Hoạt động chuyển giá tuy giúp cho các doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, giảm rủi ro nhưng lại ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, như: thất thu về thuế, khó khăn trong vấn đề thanh tra, kiểm tra và đánh giá doanh nghiệp, thị trường bị độc quyền.

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Chuyển giá là gì? Các mục đích, hình thức và ảnh hưởng của Chuyển giá, Sự cần thiết của việc tăng cường kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam.

1. Chuyển giá là gì?

Chuyển giá là hành vi định giá cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ giữa một doanh nghiệp với một doanh nghiệp liên kết khác, trong đó giá giao dịch không tuân theo thị trường. Giá giao dịch được ấn định cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường để mang lại lợi ích xét trên góc độ toàn bộ tập đoàn liên kết.

2. Các mục đích của Chuyển giá

Các doanh nghiệp có thể thực hiện chuyển giá vì nhiều động cơ khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là để mang lại lợi ích cho tập đoàn.

Các động cơ dẫn tới hành vi chuyển giá của doanh nghiệp có thể là:

  • Chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giữa các quốc gia; thuế xuất nhập khẩu;
  • Sự biến động về tiền tệ và lạm phát;
  • Chênh lệch tỷ giá hối đoái;
  • Quy định của chính phủ các nước trong việc hạn chế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, hạn chế nhập khẩu…;
  • Duy trì vị trí cạnh tranh của doanh nghiệp liên kết…

3. Hình thức Chuyển giá:

Chuyển giá có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn như:

  • Mua bán tài sản hữu hình (hàng tồn kho, máy móc, thiết bị…) và chuyển giao tài sản vô hình với mức giá cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường;
  • Tính chi phí quản lý cho các đơn vị thành viên nhưng thực chất không mang lại lợi ích tương đương cho đơn vị thành viên;
  • Cho vay với mức lãi suất cao hơn hoặc thấp hơn mức lãi suất vay từ bên độc lập…

4. Ảnh hưởng của Chuyển giá:

Chuyển giá tuy giúp cho các doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, giảm rủi ro nhưng lại ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế.

Những ảnh hưởng này có thể tổng kết lại như sau:

  • Thất thu về thuế: chính phủ bị giảm thu cho ngân sách từ các hoạt động thu thuế liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu và thuế nhà thầu;
  • Khó khăn trong vấn đề thanh tra, kiểm tra và đánh giá doanh nghiệp: chuyển giá làm sai lệch kết quả hoạt động kinh doanh và tình hình tài chính của các doanh nghiệp;
  • Thị trường bị độc quyền: chiến lược chuyển giá có thể sử dụng bởi các công ty đa quốc gia để bảo vệ vị trí độc quyền trong việc cung cấp hàng hóa. Điều này thường xảy ra trong trường hợp công ty con tại nước ngoài cần sự bảo trợ từ công ty mẹ. Vì thế, công ty mẹ có thể sử dụng cơ chế chuyển giá để đảm bảo tính độc quyền của công ty con trong việc cung cấp hàng hóa.

5. Sự cần thiết của việc kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam;

Thời gian qua, vấn đề chuyển giá nói chung, chuyển giá của khu vực FDI nói riêng nhận được sự quan tâm của dư luận. Dù các ngành chức năng đã có các giải pháp để phát hiện, ngăn chặn, xử lý tình trạng này song kết quả vẫn chưa như mong đợi.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, với 21.400 DN, DN FDI chiếm khoảng 3% tổng số DN. Tổng hợp báo cáo tài chính của DN FDI từ năm 2011 đến 2017 cho thấy quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh của khối DN này luôn duy trì mức tăng trưởng cao về doanh thu và lợi nhuận. Riêng năm 2017, doanh thu tăng 28% so với 2016, cao hơn tốc độ tăng tài sản (22%) và tốc độ tăng vốn chủ sở hữu (14%), cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của DN FDI rất thuận lợi.

Tuy nhiên, theo Bộ Tài chính, tỷ lệ DN FDI báo lỗ và lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm. Theo đó, giai đoạn 2012 - 2017 số lượng DN FDI báo lỗ hàng năm là từ 44% đến 52%, đặc biệt năm 2017 lên cao nhất với 52% số lượng DN có báo cáo. Đồng thời, tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cao hơn tốc độ tăng về số lượng DN báo lỗ và DN lỗ lũy kế cho thấy tình trạng chuyển giá của khu vực DN FDI ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ ngày càng tinh vi, phức tạp.

Trước thực trạng chuyển giá đang gây bức xúc trong thời gian qua, các cơ quan quản lý của Việt Nam đã đẩy mạnh công tác kiểm soát chuyển giá bằng nhiều hoạt động cụ thể.

Đã có nhiều văn bản được Bộ Tài chính ban hành cũng như các kế hoạch và hướng dẫn chỉ đạo của Tổng cục Thuế nhằm kiểm soát chuyển giá. Trên cơ sở các văn bản pháp lý này, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện các cuộc thanh tra chuyên đề chống chuyển giá trong những năm gần đây.

Kết quả thanh tra chuyển giá trong những năm qua đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong kiểm soát chuyển giá. Cụ thể, trong những năm qua, ngành thuế đã liên tục đẩy mạnh, tập trung nhân lực vào công tác chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI có giao dịch liên kết, liên tục khai lỗ nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Theo số liệu tại báo cáo kết quả công tác thanh tra của Tổng cục Thuế, trong những năm qua với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý trong công tác thanh tra, kiểm tra hành vi chuyển giá bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận và thu về cho ngân sách nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

6. Tăng cường kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam hiện nay, vấn đề chuyển giá đang trở thành vấn nạn lớn đối với công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thu thuế của ngành thuế nói riêng.

Chuyển giá là hành vi cần phải được ngăn chặn kịp thời, để thực hiện được điều này, chúng ta cần thực hiện đồng bộ và phù hợp các giải pháp sau:

Một là, cần xây dựng và hoàn thiện pháp luật về kinh tế nói chung, pháp luật về thuế và kiểm soát chuyển giá nói riêng nhằm kiểm soát tốt hành vi chuyển giá. Trong quá trình xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, Việt Nam cần nghiêm túc nghiên cứu vận dụng các hướng dẫn về kiểm soát chuyển giá được đề xuất bởi OECD nhằm mục đích hòa nhập với thông lệ quốc tế. Việt Nam nên nghiên cứu để ban hành Luật Chống chuyển giá nhằm có một văn bản có giá trị pháp lý cao để thống nhất cách hiểu, loại bỏ những cách hiểu không phù hợp, đồng thời ngăn chặn tình trạng trốn thuế như hiện nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần sửa đổi một số điều luật ở các văn bản luật khác như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp… cùng các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, quyết định để phù hợp với quy định của Luật Chống Chuyển giá. Bên cạnh đó, Việt Nam cần xây dựng một hệ thống chế tài nghiêm minh và tổ chức thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát chuyển giá. Mặc dù chuyển giá không phải hành vi vi phạm pháp luật, song các nước đều xác định việc không tuân thủ kê khai về giá chuyển nhượng khi có giao dịch liên kết theo thủ tục, trình tự quy định của pháp luật phải bị xử phạt. Ngoài việc truy thu số thuế bị phát hiện khai thiếu do không tuân thủ quy định pháp luật về kiểm soát chuyển giá, có nước chỉ xử phạt về thủ tục, có nước vừa xử phạt về thủ tục, vừa xử phạt về hành vi khai thiếu thuế.

Hai là, ngành thuế cần kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Hiện nay, mới chỉ có Tổng cục Thuế và các cục thuế của 4 tỉnh/thành phố có thành lập Phòng Thanh tra giá chuyển nhượng với số lượng nhân sự hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, ngành thuế nên tăng cường bổ sung nguồn nhân lực cho đội ngũ thanh tra chuyên trách về kiểm soát chuyển giá. Các cán bộ thuế chuyên trách về chuyển giá, được đào tạo bài bản và chuyên sâu hiện tại vẫn còn thiếu và hạn chế, hoạt động chủ yếu vẫn là theo kinh nghiệm hoặc qua tham gia các khóa tập huấn trong thời gian ngắn. Ngành thuế cần có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản lý cho công chức trên cơ sở đánh giá năng lực, xác định nhu cầu và kế hoạch đào tạo, đảm bảo lực lượng này sẽ làm nòng cốt cho việc quản lý thuế, chống chuyển giá tại các địa phương.

Ba là, thanh tra giá chuyển nhượng là một loại hình thanh tra đặc thù và mang lại một nguồn thu rất lớn cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, thanh tra giá chuyển nhượng cũng là một nội dung phức tạp và đòi hỏi đầu tư thời gian trong quá trình thanh tra. Do đó, Việt Nam nên có những quy định riêng đối với thời gian thanh tra giá chuyển nhượng, theo đó cần nới rộng thời gian cho các cán bộ thanh tra thực hiện công việc điều tra nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.

Bốn là, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy hướng dẫn áp dụng công cụ APA theo hướng cụ thể hơn, đi kèm với những hướng dẫn chi tiết, rõ ràng và thống nhất. Chẳng hạn, cần có quy định cụ thể về giới hạn thời gian cho từng bước trong quy trình thực hiện APA, tránh tình trạng cán bộ thuế kéo dài thời gian thực hiện, gây phiền hà cho các doanh nghiệp; quy định cụ thể về tính bảo mật thông tin cho doanh nghiệp khi cung cấp các thông tin cần thiết tham gia đàm phán thỏa thuận APA. Ngoài ra, ngành thuế cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền cho các doanh nghiệp trong việc triển khai áp dụng APA. APA là giải pháp thỏa thuận có lợi cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế, hơn nữa thỏa thuận APA được đàm phán trên cơ sở tự nguyện của các doanh nghiệp, cơ quan thuế không thể tạo sức ép đối với doanh nghiệp. Sự hợp tác của các doanh nghiệp liên kết là yếu tố sống còn đối với đàm phán thành công APA.

Năm là, cần xây dựng và quy định cơ chế phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cơ quan quản lý về đầu tư, ngân hàng, cơ quan thuế, hải quan, công an, tòa án, viện kiểm sát, thanh tra…) nhằm bổ sung nguồn thông tin cần thiết phục vụ cho quá trình thanh tra, kiểm tra về chuyển giá nhằm nâng cao được hiệu quả quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp và chống thất thu cho ngân sách nhà nước.

 

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Chuyển giá là gì? Các mục đích, hình thức và ảnh hưởng của Chuyển giá, Sự cần thiết của việc tăng cường kiểm soát chuyển giá tại Việt Nam.

Nguồn thông tin tham khảo: Bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Ánh, TS Đoàn Thanh Nga Trường Đại học Kinh tế Quốc dân trên Diễn đàn Khoa học - Công nghệ.

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo