Lợi thế thương mại là khái niệm thường được nhắc đến trong các giao dịch M&A và Hợp nhất Báo cáo tài chính. Tuy nhiên, vẫn nhiều bạn chưa hiểu rõ về khoản mục này.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Lợi thế thương mại (Goodwill) là gì? Cách phân bổ, Hạch toán và Ví dụ về Lợi thế thương mại
Lợi thế thương mại tiếng Anh là Goodwill
Theo Thông tư số 202/2014/TT-BTC - Hướng dẫn lập Báo cáo tài chính hợp nhất
Lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua rẻ (còn được gọi là Bất lợi thương mại hay Lợi thế thương mại âm) được xác định là chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư và giá trị hợp lý của tài sản thuần có thể xác định được của công ty con tại ngày mua do công ty mẹ nắm giữ (thời điểm công ty mẹ nắm giữ quyền kiểm soát công ty con).
Thời gian phân bổ lợi thế thương mại không quá 10 năm, bắt đầu kể từ ngày công ty mẹ kiểm soát công ty con theo nguyên tắc: Việc phân bổ phải thực hiện dần đều qua các năm. Định kỳ công ty mẹ phải đánh giá tổn thất lợi thế thương mại tại công ty con, nếu có bằng chứng cho thấy số lợi thế thương mại bị tổn thất lớn hơn số phân bổ hàng năm thì phân bổ theo số lợi thế thương mại bị tổn thất ngay trong kỳ phát sinh.
Một số bằng chứng về việc lợi thế thương mại (goodwill) bị tổn thất như:
- Sau ngày kiểm soát công ty con, nếu giá phí khoản đầu tư thêm nhỏ hơn phần sở hữu của công ty mẹ trong giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con được mua thêm;
- Giá trị thị trường của công ty con bị giảm (ví dụ giá trị thị trường cổ phiếu công ty con bị giảm đáng kể do công ty con liên tục làm ăn thua lỗ);
- Hạng sắp xếp tín nhiệm bị giảm trong thời gian dài; Công ty con lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, tạm ngừng hoạt động hoặc có nguy cơ giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động;
- Các chỉ tiêu về tài chính bị suy giảm một cách nghiêm trọng và có hệ thống…
Ví dụ: Giả sử lợi thế thương mại phát sinh là 10 tỉ đồng được phân bổ 10 năm (mỗi năm 1 tỉ đồng). Sau khi phân bổ 3 năm (3 tỉ đồng), nếu có bằng chứng cho thấy lợi thế thương mại đã tổn thất hết thì năm thứ 4 số lợi thế thương mại được phân bổ là 7 tỉ đồng.
b) Trong giao dịch hợp nhất kinh doanh qua nhiều giai đoạn, khi xác định lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ (lợi thế thương mại âm), giá phí khoản đầu tư vào công ty con được tính là tổng của giá phí khoản đầu tư tại ngày đạt được quyền kiểm soát công ty con cộng với giá phí khoản đầu tư của những lần trao đổi trước đã được đánh giá lại theo giá trị hợp lý tại ngày công ty mẹ kiểm soát công ty con.
Lưu ý: Nếu sau khi đã kiểm soát công ty con, nếu công ty mẹ tiếp tục đầu tư vào công ty con để tăng tỷ lệ lợi ích nắm giữ, phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư thêm và giá trị ghi sổ của tài sản thuần của công ty con mua thêm phải được ghi nhận trực tiếp vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và được coi là các giao dịch vốn chủ sở hữu (không ghi nhận như lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ). Trong trường hợp này, công ty mẹ không thực hiện việc ghi nhận tài sản thuần của công ty con theo giá trị hợp lý như tại thời điểm kiểm soát công ty con.
Các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất được lập bằng cách cộng từng chỉ tiêu thuộc Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty mẹ và các công ty con trong tập đoàn sau đó thực hiện điều chỉnh cho các nội dung sau:
a) Giá trị ghi sổ khoản đầu tư của công ty mẹ trong từng công ty con và phần vốn của công ty mẹ trong vốn chủ sở hữu của công ty con phải được loại trừ toàn bộ đồng thời ghi nhận lợi thế thương mại hoặc lãi từ giao dịch mua giá rẻ (nếu có);
b) Phân bổ lợi thế thương mại;
c) Lợi ích cổ đông không kiểm soát được trình bày trong Bảng cân đối kế toán hợp nhất thành một chỉ tiêu riêng thuộc phần vốn chủ sở hữu. Phần sở hữu của cổ đông không kiểm soát trong Báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn cũng phải được trình bày thành chỉ tiêu riêng biệt trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất;
d) Số dư các khoản mục phải thu, phải trả, cho vay... giữa các đơn vị trong cùng tập đoàn phải được loại trừ hoàn toàn;
đ) Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn phải được loại trừ toàn bộ;
e) Các khoản lãi chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn đang nằm trong giá trị tài sản (như hàng tồn kho, tài sản cố định…) phải được loại trừ hoàn toàn. Các khoản lỗ chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ đang phản ánh trong giá trị tài sản (hàng tồn kho, tài sản cố định…) cũng phải được loại bỏ trừ khi chi phí gây ra khoản lỗ đó không thể thu hồi được.
Trường hợp phân bổ lợi thế thương mại (goodwill) trong kỳ đầu tiên, kế toán xác định lợi thế thương mại phải phân bổ trong kỳ, ghi:
Nợ Chi phí quản lý doanh nghiệp (Lợi thế thương mại phân bổ trong kỳ)
Có Lợi thế thương mại (Lợi thế thương mại phát sinh trong kỳ)
Trường hợp phân bổ lợi thế thương mại từ kỳ thứ hai trở đi, kế toán phải phản ánh số phân bổ trong kỳ này và số lũy kế đã phân bổ từ ngày mua đến ngày đầu kỳ báo cáo và ghi nhận như sau:
Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước(số LTTM đã phân bổ lũy kế đến cuối kỳ trước)
Nợ Chi phí quản lý doanh nghiệp (Số LTTM phân bổ trong kỳ báo cáo)
Có Lợi thế thương mại (LTTM đã phân bổ lũy kế đến cuối kỳ báo cáo)
Sau khi đã phân bổ hết lợi thế thương mại, bút toán điều chỉnh như sau:
Nợ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước
Có Lợi thế thương mại.
Trên Bảng cân đối kế toán hợp nhất, Lợi thế thương mại (Goodwill) sẽ được trình bày ở Mã số 269, ở Mục: VI - Tài sản dài hạn khác, Thuộc B - Tài sản dài hạn.
BẢNG CÂN ĐỐI KẾ TOÁN HỢP NHẤT | ||||
Tại ngày ... tháng ... năm ...(1) | ||||
Đơn vị tính:……………… | ||||
TÀI SẢN | Mã số | Thuyết minh | Số cuối năm (3) | Số đầu năm (3) |
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
A - TÀI SẢN NGẮN HẠN | 100 | |||
I. Tiền và các khoản tương đương tiền | 110 | |||
II. Đầu tư tài chính ngắn hạn | 120 | |||
III. Các khoản phải thu ngắn hạn | 130 | |||
IV. Hàng tồn kho | 140 | |||
V. Tài sản ngắn hạn khác | 150 | |||
B - TÀI SẢN DÀI HẠN | 200 | |||
I. Các khoản phải thu dài hạn | 210 | |||
II. Tài sản cố định | 220 | |||
III. Bất động sản đầu tư | 230 | |||
IV. Tài sản dở dang dài hạn | 240 | |||
V. Đầu tư tài chính dài hạn | 250 | |||
VI. Tài sản dài hạn khác | 260 | |||
1. Chi phí trả trước dài hạn | 261 | |||
2. Tài sản thuế thu nhập hoãn lại | 262 | |||
3. Thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn | 263 | |||
4. Tài sản dài hạn khác | 268 | |||
5. Lợi thế thương mại | 269 | |||
TỔNG CỘNG TÀI SẢN (270 = 100 + 200) | 270 |
Các bạn có thể đọc Ví dụ về Lợi thế Thương mại: Tại đây
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã chia sẻ đến bạn đọc: Lợi thế thương mại (Goodwill) là gì? Cách phân bổ, Hạch toán và Ví dụ về Lợi thế thương mại
Nếu các bạn đọc có câu hỏi gì, hãy để ở dưới phần bình luận, đội ngũ chuyên gia của Thành Nam luôn sẵn sàng để hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc từ phía độc giả.
Hệ thống Văn bản mới nhất
Tổng hợp Tài liệu Kế toán
⭐ Hệ thống Tài khoản Kế toán TT200
⭐ Hệ thống Tài khoản Kế toán TT133
⭐ Biểu mẫu Chứng từ Kế toán TT200
⭐ VAS - Chuẩn mực Kế toán Việt Nam
⭐ IFRS - Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế
Công cụ hỗ trợ Kế toán
⭐ Công cụ tra cứu hóa đơn của Doanh nghiệp bỏ trốn
⭐ Lịch nộp các loại Báo cáo thuế năm 2022
Bản Tin Thuế hàng tháng
0886856666