Kinh tế thị trường xuất hiện đã làm thay đổi cách vận hành của nền kinh tế theo chiều hướng tích cực, tuy nhiên, song song với sự phát triển đó, cũng đã xuất hiện rất nhiều các vấn đề được đặt ra, và sự cần thiết phải có bàn tay của chỉnh phủ để ổn định và phát triển kinh tế bền vững.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Kinh tế thị trường là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Kinh tế thị trường.
Kinh tế thị trường là nền kinh tế trong đó chính phủ không tham gia và quyết định các vấn đề kinh tế mà để cho thị trường giải quyết thông qua quy luật cung - cầu.
Ba vấn đề cơ bản của một tổ chức kinh tế: Mỗi nền kinh tế trong một thời kỳ nào đó luôn phải giải quyết 3 vấn đề kinh tế cơ bản sau:
- Sản xuất cái gì? (Nên sử dụng những nguồn lực hiện có để sản xuất ra sản phẩm gì? số lượng bao nhiêu?)
- Sản xuất như thế nào? (Nêu tổ chức sản xuất ra những sản phẩm đó như thế nào? - Bằng cách nào? lựa chọn công nghệ sản xuất ra sao? ⇒ Phương án sản xuất tối ưu: Chi phí thấp nhất, lãi suất cao nhất)
- Sản xuất cho ai? (Sản phẩm làm ra được phân phối cho ai?)
Để giải quyết ba vấn đề cơ bản này, ta có thể sử dụng nền kinh tế thị trường.
- Trong nền kinh tế thị trường, do các doanh nghiệp hoạt động trong một môi trường cạnh tranh gay gắt đã thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng đổi mới kỹ thuật và công nghệ, theo đó làm cho trình độ kỹ thuật và công nghệ của nền kinh tế không ngừng nâng cao.
- Cũng chính trong môi trường cạnh tranh gay gắt này, đã thúc đẩy các doanh nghiệp sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả hơn nguồn lực của mình → giảm được chi phí sản xuất làm cơ sở để hạ giá thành sản phẩm → giảm được giá bán sản phẩm và thu hút được khách hàng.
- Kinh tế thị trường có tác dụng thúc đẩy các doanh nghiệp không ngừng cải tiết mẫu mã và đổi mới mặt hàng, làm cho sản phẩm trên thị trường ngày càng trở nên đa dạng và phong phú về chủng loại → người tiêu dùng có cơ hội nhiều hơn trong việc lựa chọn mặt hàng phù hợp với sở thích và chi tiêu của mình.
- Con người trong nên kinh tế thị trường trở nên năng động, sáng tạo, phát huy được năng lực của mình.
⇒ Như vậy, kinh tế thị trường được xem là một động lực rất mạnh mẽ để thúc đẩy sản xuất phát triển. Tuy nhiên, nó cũng kéo theo những mặt hạn chế đáng kể.
Chu kỳ kinh tế là sự dao động lên xuống liên tục của sản lượng quốc gia theo thời gian tạo nên những bước thăng trầm trong quá trình phát triển kinh tế.
Trong mỗi một chu kỳ kinh tế, bao gồm 2 giai đoạn:
+ Giai đoạn tăng trưởng: Là giai đoạn trong đó mức sản lượng quốc gia tăng liên tục theo thời gian. Giai đoạn này → việc làm tăng → mức thất nghiệp giảm đi.
Như vậy, trong giai đoạn đoạn tăng trưởng thì nền kinh tế nhìn chung là tốt. Tuy nhiên, nền kinh tế tăng trưởng quá mức sẽ kéo theo nhiều hậu quả xấu (kinh tế tăng trưởng quá mức khi Yt > Y*), tức là nền kinh tế quá nóng → lạm phát.
+ Giai đoạn suy thoái: Suy thoái kinh tế xảy ra khi mức sản lượng quốc gia giảm sút liên tục theo thời gian. Lúc này, nền kinh tế có xu hướng đi xuống. Suy thoái kinh tế → sản lượng giảm (Yt↓) → việc giảm làm → thất nghiệp gia tăng (⇒ nhiều hậu quả xấu về mặt xã hội).
Khi nền kinh tế biến động theo những chu kỳ như vậy (↑, ↓ quá mức) làm cho nền kinh tế không ổn định. Vì vậy, cần phải có sự can thiệp của chính phủ bằng cách dùng các chính sách kinh tế vĩ mô.
Cụ thể:
Khi Yt > Y* thì phải ↓ Yt
Yt < Y* thì phải ↑ Yt
Độc quyền là tình trạng trên thị trường chỉ có duy nhất một người bán hoặc một người mua một loại sản phẩm đồng nhất nào đó (một người ở đây có thể là một cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, công ty, ...)
Nếu trên thị trường có duy nhất một người bán >< nhiều người mua: gọi là độc quyền bán và ngược lại, một người mua >< nhiều người bán: gọi là độc quyền mua (Độc quyền mua thì ít xảy ra).
Những tác động xấu của độc quyền gây ra:
+ Khi xảy ra độc quyền, làm cho giá cả tăng lên → gây tác động xấu đến người mua (người tiêu dùng)
+ Tạo ra sự khan hiếm giả tạo trên thị trường. Tức là về thực chất không phải là thiếu hàng hoá, nhưng khi sản xuất ra lại không đưa ra thị trường bán (cung < cầu ⇒ giá tăng).
+ Độc quyền sẽ không kích thích đổi mới công nghệ và kỹ thuật (do không có đối thủ cạnh tranh).
Trong trường hợp này, chính phủ can thiệp là để giảm bớt những tác động xấu của độc quyền bằng cách: ban hành luật chống độc quyền hay dùng các chính sách, các biện pháp để hạn chế độc quyền (Quy định mức giá trần - là mức giá tối đa, cao nhất mà nhà độc quyền được phép ra, khi đó nhà độc quyền không được phép bán vượt mức giá đó; hoặc chính phủ có thể quy định quy mô sản xuất tối thiểu cho nhà độc quyền nhằm ngăn chặn tình trạng khan hiếm hàng hoá trên thị trường, ...)
- Kinh tế thị trường thường xảy ra phân hoá xã hội (giàu - nghèo) và làm cho khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng.
Để giảm bớt sự phân cách giàu - nghèo thì chính phủ phải can thiệp và một trong những cách can thiệp của chính phủ là dùng chính sách phân phối lại thu nhập (chẳng hạn như tính thuế thu nhập cá nhân).
- Kinh tế thị trường làm gia tăng những tác động hướng ngoại tiêu cực - Là những tác động do ảnh hưởng xấu từ môi trường bên ngoài của các hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc tiêu dùng sản phẩm.
Ví dụ: DN thải chất thải → Ô nhiễm môi trường, nguồn nước, khói độc, tiếng ồn quá mức, ...
Người (tiêu dùng) hút thuốc lá → ảnh hưởng đến với mọi người xung quanh. Trong trường hợp này, chính phủ can thiệp bằng cách ban hành luật bảo vệ môi trường, có thể dùng các biện pháp cưỡng chế (buộc phải di dời những đơn vị SXKD gây ô nhiễm ở khu vực dân cư sang những nơi thuộc ngoại ô thành phố - nơi ít dân cư, ...), đánh thuế ô nhiễm,...
* Lưu ý: Tác động hướng ngoại (hay ảnh hưởng ngoại lai) đó là sự tác động của chủ thể kinh tế này đến chủ thể kinh tế khác mà không thông qua giao dịch trên thị trường.
- Kinh tế thị trường dẫn đến nguy cơ thiếu hàng hoá công cộng là hàng hoá mà nhiều người có thể sử dụng chung với nhau trong một lúc. Đặc điểm của hàng hoá công cộng là việc đầu tư cho nó đòi hỏi lớn, hiệu quả kinh doanh thấp → lâu thu hồi vốn, do vậy tư nhân thì không thích đầu tư vào loại hàng hoá này.
Chính phủ can thiệp bằng cách đứng ra đầu tư và cung cấp các dịch vụ công cộng cho xã hội.
- Thông tin thị trường bị lệch lạc và các nguy cơ về đạo đức (quảng cáo không đúng với giá trị thực của sản phẩm...)
- Kinh tế thị trường không dẫn dắt được sự thay đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển (Do người ta chỉ đầu tư vào các ngành mang lại lợi nhuận cao).
* Kết luận: Kinh tế thị trường có nhiều ưu thế không thể phủ nhận được, song bên cạnh đó còn nhiều khuyết tật mà tự nó không thể khắc phục được, do đó thị trường không phải là hoàn hảo, không thể để thị trường tự do cạnh tranh hoàn toàn mà cần phải có sự can thiệp của chính phủ. Cụ thể là giảm bớt những mặt hạn chế của kinh tế thị trường, tạo ra những điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế cùng cạnh tranh và hợp tác với nhau một cách lành mạnh và bình đẳng. Từ đó, ta có khái niệm nền kinh tế hỗn hợp.
- Là nền kinh tế có sự pha trộn giữa kinh tế thị trường tự do và kinh tế chỉ huy.
- Nhà nước và thị trường cùng giải quyết 3 vấn đề kinh tế cơ bản, chủ yếu do thị trường quyết định, thị trường vẫn hoạt động với những quy luật khách quan vốn có của nó (cung - cầu) cùng với sự chỉ huy của chính phủ nhưng không can thiệp quá chi tiết mà tác động vào thị trường, chính phủ sử dụng những công cụ của mình để điều chỉnh những lệch lạc của kinh tế thị trường.
* Vai trò của chính phủ: Vai trò kinh tế của chính phủ có thể được phát hoạ bằng 3 chức năng chủ yếu sau:
(1) Chức năng hiệu quả: Chính phủ tác động để nền kinh tế khai thác hết tiềm năng sản xuất, đặt nền kinh tế nằm trên đường giới hạn khả năng sản xuất (PP).
(2) Chức năng công bằng: Chính phủ dùng chính sách phân phối và phân phối lại thu nhập nhằm làm giảm thiểu sự bất bình đẳng cho mọi người.
(3) Chức năng ổn định: Thông qua kiểm soát thuế khoá, chi tiêu, kiểm soát khối lượng tiền, ... chính phủ làm dịu đi những dao động của chu kỳ kinh tế.
Tóm lại, sự can thiệp của Chính phủ có tác dụng khắc phục những hạn chế của kinh tế thị trường, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp thuộc nhiều thành phần kinh tế cùng cạnh tranh và hợp tác với nhau một cách lành mạnh và bình đẳng.
Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã chia sẻ đến bạn đọc: Kinh tế thị trường là gì? Ưu điểm và nhược điểm của Kinh tế thị trường.
Hệ thống Văn bản mới nhất
Tổng hợp Tài liệu Kế toán
⭐ Hệ thống Tài khoản Kế toán TT200
⭐ Hệ thống Tài khoản Kế toán TT133
⭐ Biểu mẫu Chứng từ Kế toán TT200
⭐ VAS - Chuẩn mực Kế toán Việt Nam
⭐ IFRS - Chuẩn mực Báo cáo tài chính Quốc tế
Công cụ hỗ trợ Kế toán
⭐ Công cụ tra cứu hóa đơn của Doanh nghiệp bỏ trốn
⭐ Lịch nộp các loại Báo cáo thuế năm 2022
Bản Tin Thuế hàng tháng
0886856666