Hotline: 0886856666

Doanh nghiệp xã hội là gì? Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

(5/5) - 66 bình chọn.
18/08/2021 176

 

Trong gần 3 thập kỷ vừa qua, Việt Nam đang có những bước tiến mới giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ đói nghèo được giảm đáng kể, từ đó mang lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc hơn cho người dân. Tuy nhiên, song hành cùng những sự phát triển đó, cũng đi kèm với các vấn đề về môi trường, các vấn nạn xã hội được hình thành. Để hướng tới phát triển bền vững, Nhà nước đang chú trọng tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo các nhóm dân cư được tiếp cận với các dịch vụ công và thành quả tăng trưởng một cách công bằng và toàn diện nhất.

Từ thực tiễn này, các Doanh nghiệp xã hội được ra đời với sứ mệnh trở thành đối tác tích cực và ngày càng hiệu quả, hỗ trợ Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, ô nhiễm môi trường một cách bền vững. 

Doanh nghiệp xã hội là gì? Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội là các điểm được quy định tại Điều 10 Luật doanh nghiệp 59/2020/QH14 năm 2020, chính thức có hiệu lực từ 01/01/2021, đã được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV ngày 17/6/2020, trong đó có một số điểm mới nổi bật như: Thay đổi khái niệm về doanh nghiệp nhà nước, Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng, Bổ sung thêm đối tượng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp,...

Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

I. Doanh nghiệp xã hội là gì?

Doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp có lợi nhuận và không có lợi nhuận, giống với các doanh nghiệp khác vì đều tổ chức và quản lý dưới hình thức doanh nghiệp. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở chỗ Doanh nghiệp xã hội được thành lập để giải quyết các vấn đề tồn tại của xã hội như đói nghèo, ô nhiễm môi trường, bảo vệ trẻ em…

II. Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí nào?

Doanh nghiệp xã hội phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:

a) Là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật này;

b) Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng;

c) Sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký.

III. Đặc điểm của Doanh nghiệp xã hội:

Doanh nghiệp xã hội có các đặc điểm sau đây:

Doanh nghiệp xã hội luôn xác định mục tiêu, sứ mệnh xã hội rõ ràng ngay từ khi thành lập;

Doanh nghiệp xã hội dùng các hoạt động kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng là phương tiện để đạt mục tiêu xã hội;

Doanh nghiệp xã hội sử dụng phần lớn lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh để đầu tư trở lại tổ chức, cộng đồng và cho mục tiêu xã hội.

IV. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

1. Ngoài quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật doanh nghiệp 59/2020/QH14 năm 2020, doanh nghiệp xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:

a) Chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

b) Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

c) Duy trì mục tiêu hoạt động và điều kiện quy định tại điểm b và điểm c mục 2 như nêu ở trên trong suốt quá trình hoạt động;

d) Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

đ) Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp xã hội.

2. Doanh nghiệp xã hội phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền khi chấm dứt thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường hoặc không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư theo quy định tại điểm b và điểm c mục 2 như nêu ở trên.

3. Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.

4. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

V. Thực trạng phát triển Doanh nghiệp xã hội tai Việt Nam và tiềm năng phát triển

Tại Việt Nam, từ giữa những năm 1990, một số Doanh nghiệp xã hội (DNXH) thực thụ đã bắt đầu xuất hiện như Trường Hoa Sữa, Nhà hàng KOTO tại Hà Nội, Mai Handicrafts tại TP.HCM. Tuy nhiên, mô hình này chỉ mới phát triển ở mức độ đơn lẻ, quy mô nhỏ.

Từ năm 2008 đến nay, các DNXH phát triển trong sự liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành một cộng đồng, nhận được sự hỗ trợ, vốn đầu tư và sự định hướng từ nhiều tổ chức như Hội Đồng Anh, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (ESCAP)...

Theo báo cáo nghiên cứu “Hiện trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam” do Hội Đồng Anh công bố ngày 23/03/2019, các dự án, mô hình theo định hướng DNXH có mặt trên cả nước. Trong đó, 30% doanh nghiệp tập trung ở Hà Nội, 21% ở TP.HCM, số còn lại tập trung ở các khu vực nông thôn. Lĩnh vực có nhiều dự án, DNXH hoạt động nhất tại Việt Nam là nông nghiệp (35%), tiếp đến là ngành dịch vụ du lịch-nhà hàng-khách sạn (9%), giáo dục (9%) và môi trường (7%).

30% DNXH ở Việt Nam hoạt động tại thị trường trong nước, 21% doanh nghiệp đã đưa sản phẩm của mình ra nước ngoài. Rất nhiều doanh nghiệp thể hiện tham vọng tiến ra thị trường quốc tế.

Sản phẩm của các Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam được người tiêu dùng trong nước và quốc tế đánh giá cao. Giấy Dó và đồ trang trí từ giấy Dó của Zó Project; thú nhồi bông được làm thủ công hoàn toàn của KYM VIỆT… giờ đây có mặt ở Mỹ, Nhật… Ví, túi xách, khăn với những nét vẽ hồn nhiên của Tòhe có trong hành lý của nhiều du khách quốc tế khi tới Việt Nam du lịch muốn mua một món quà thực sự độc đáo cho người thân…

Nguồn: https://dantri.com.vn/kinh-doanh/doanh-nghiep-xa-hoi-tai-viet-nam-co-mat-o-ca-3-mien-ngay-cang-tre-va-giau-tham-vong-20190330102229892.htm

 

Qua bài viết này, Thành Nam đã hướng dẫn đến bạn đọc: Doanh nghiệp xã hội là gì? Tiêu chí, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội

Nếu các bạn đọc có câu hỏi gì, hãy để ở dưới phần bình luận, đội ngũ chuyên gia của Thành Nam luôn sẵn sàng để hỗ trợ, giải đáp mọi thắc mắc từ phía độc giả.

Xem toàn bộ Luật doanh nghiệp 59/2020/QH14 năm 2020 tại đây

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo