Hotline: 0886856666

Chính sách Tài khóa là gì? Hạn chế của chính sách tài khóa, Áp dụng thực tiễn

(5/5) - 66 bình chọn.
23/11/2021 4951

 

Chính sách tài khóa là gì

Chính sách tài khoá là một công cụ quan trọng trong việc điều hành chính sách kinh tế của Nhà nước, có ảnh hưởng rất mạnh đến sự cân bằng vĩ mô của nền kinh tế và tác động trực tiếp đến phương châm hoạt động của hệ thống ngân sách cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam sẽ chia sẻ đến bạn đọc: Chính sách Tài khóa là gì? Hạn chế của chính sách tài khóa, Áp dụng chính sách tài khóa trong thực tế.

1. Chính sách Tài khóa là gì?

Chính sách tài khóa là việc Chính phủ sử dụng thuế khóa và chi tiêu để điều tiết mức chi tiêu chung của nền kinh tế, khi sản lượng thực tế của nền kinh tế ở quá xa bên phải hoặc bên trái mức sản lượng tiềm năng, thì lúc đó cần tác động của chính sách tài khóa học tiền tệ để đưa nền kinh tế lại gần với mức sản lượng tiềm năng.

Theo cách tiếp cận của Keynes, thì vai trò trung tâm của Chính phủ là Chính sách tài khóa. Chính phủ sẽ sử dụng chính sách tài khóa với các công cụ khác nhau ứng với từng điều kiện cụ thể của nền kinh tế.

  • Giả sử nền kinh tế đang lâm vào tình trạng suy thoái và thất nghiệp. Các hãng tư nhân không muốn đầu tư thêm, còn người tiêu dùng không muốn chi tiêu cho tiêu dùng. Tổng cầu ở mức rất thấp. Lúc này để mở rộng tổng cầu Chính phủ phải tăng chi tiêu hoặc giảm thuế để tăng mức chi tiêu của nền kinh tế. Trong mô hình số nhân đầy đủ, việc Chính phủ tăng chi tiêu và giảm thuế sẽ khiến sản lượng thực tế tăng lên và mức việc làm đầy đủ có thể khôi phục.
  • Ngược lại, khi nền kinh tế đang ở trạng thái phát đạt quá mức, tăng trưởng cao, lạm phát tăng lên, Chính phủ có thể giảm chi tiêu và tăng thuế và nhờ đó tổng cầu sẽ giảm sản lượng thực tế cũng giảm theo và lạm phát giảm.

Tuy nhiên, trên thực tế chính sách tài khoá không đủ sức mạnh như vậy nhất là trong điều kiện nền kinh tế hiện nay.

2. Chính sách tài khóa trong thực tế

Trước khi thực thi chính sách tài khoá trong thực thế, thì Chính phủ cần phải nghiên cứu kỹ các vấn đề sau:

  • Mức thâm hụt sản lượng thực tế và mục tiêu đạt ra cho nền kinh tế
  • Cơ chế tự điều chỉnh của nền kinh tế khi chưa cần tác động của chính sách tài khoá.
  • Các hạn chế khi thực hiện chính sách tài khoá.

Cơ chế tự điều chỉnh của nền kinh tế

Những thay đổi tự động của hệ thống thuế: Hệ thống thuế hiện đại bao gồm thuế thu nhập luỹ tiến với thu nhập cá nhân và lợi nhuận của công ty. Khi thu nhập quốc dân tăng thì số  thu về thuế cũng tăng theo và ngược lại khi thu nhập quốc dân giảm thì số thu về thuế cũng giảm. Mặc dù Chính phủ chưa cần phải điều chỉnh thuế suất. Hệ thống thuế có vai trò như một bộ tự ổn định, điều chỉnh tự động nhanh và mạnh.

Hệ thống bảo hiểm: Bao gồm bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, và các chuyển khoản mang tính chất xã hội khác. Hệ thống này hoạt động khá nhạy cảm. Khi thất nghiệp hay mất việc, nghỉ hưu, ốm đau họ được nhận trợ cấp. Khi có việc làm thì họ phải trích nộp các khoản bảo hiểm. Như vậy khi nền kinh tế suy thoái người lao động không có việc làm nhưng có thu nhập từ các khoản trợ cấp, do đó làm tổng cầu tăng và thúc đẩy sản lượng tăng. Khi nền kinh tế phát đạt thu nhập tăng, trích nộp các khoản bảo hiểm làm cho thu nhập giảm bớt và làm tổng cầu giảm, do đó sản lượng giảm. Như vậy, hệ thống bảo hiểm luôn có tác động ngược chiều với chu kỳ kinh doanh.

Tuy nhiên, những ổn định tự động chỉ có tác dụng làm giảm phần nào những dao động của nền kinh tế, mà không xoá bỏ được hoàn toàn những dao động đó. Phần còn lại là vai trò của các chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ.

Những hạn chế của chính sách tài khoá.

Trong thực tế chính sách tài khoá bị hạn chế bởi nhiều lý do:

Khó xác định một cách chính xác mức độ cần thiết phải tác động

+ Có sự khác nhau về quan điểm, cách đánh giá các sự kiện kinh tế

+ Có sự không chắc chắn cố hữu trong các quan hệ kinh tế

Chính sách tài khoá có độ trễ khá lớn về mặt thời gian

+ Độ trễ bên trong: thời gian thu thập, xử lý thông tin và ra quyết định.

+ Đội trễ bên ngoài: bao gồm quá trình phổ biến, thực hiện và phát huy tác dụng của chính sách.

Cả hai độ trễ trên khá dài phụ thuộc vào các yếu tố chính trị, thể chế, cơ cấu tổ chức bộ máy. Các chính sách đưa ra không đúng lúc sẽ làm rối loạn thêm nền kinh tế thay vì ổn định nó.

Chính sách tài khoá thường được thực hiện thông qua các dự án công cộng, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển việc làm, trợ cấp xã hội. Mà đa số các dự án này trong thực tế là kém  hiệu quả, tham nhũng nhiều, thời gian phát huy tác dụng thường khá dài.

3. Chính sách tài khoá và vấn đề thâm hụt ngân sách

Khái niệm về thâm hụt ngân sách

Khái niệm ngân sách Nhà nước:

Ngân sách Nhà nước là tổng kế hoách chi tiêu và thu nhập hàng năm của Chính phủ. Bao gồm các kế hoạch thu (chủ yếu từ thuế), các kế hoạch chi ngân sách của Nhà nước.

Gọi B là cán cân ngân sách B = T – G.

Nếu B > 0 Thặng dư ngân sách

Nếu B< 0 Thâm hụt ngân sách

Nếu B = 0 Ngân sách cân bằng.

Các lý thuyết tài chính hiện đại cho rằng, ngân sách Nhà nước không nhất thiết phải cân bằng theo tháng, năm. Vấn đề là phải quản lý thu, chi sao cho ngân sách không bị thâm hụt quá lớn và kéo dài.

Tuy vậy, nhiều nước và đặc biệt là các nước đang phát triển vẫn theo đuổi chính sách tài khoá thận trọng, chi ngân sách phải nằm trong khuôn khổ của các nguồn thu. Trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng thường thì thu nhân sách sẽ tăng và khi nền kinh tế có mức tăng trưởng thấp thu ngân sách sẽ giảm. Ngược lại trong điều kiện nền kinh tế tăng trưởng thì chi ngân sách giảm, còn trong điều kiện nền kinh tế suy thoái thì chi ngân sách sẽ tăng. Chính vì vậy thâm hụt ngân sách sẽ trầm trọng hơn trong thời kỳ suy thoái bất chấp mọi cố gắng của Chính phủ. Do đó để đánh giá tác động của chính sách tài khoá đến thâm hụt ngân sách người ta thường sử dụng cán cân ngân sách cân bằng trong điều kiện nền kinh tế hoạt động ở mức sản lượng tiềm năng.

Một số khái niệm thâm hụt ngân sách

  • Thâm hụt ngân sách thực tế: đó là thâm hụt giữa số chi thực tế vượt số thu thực tế trong một thời kỳ nhất định.
  • Thâm hụt ngân sách cơ cấu: đó là thâm hụt tính toán trong trường hợp nền kinh tế hoạt động ở mức sản lượng tiềm năng.
  • Thâm hụt ngân sách chu kỳ: thâm hụt ngân sách bị động do tính chu kỳ của nền kinh tế. Thâm hụt chu kỳ bằng hiệu số giữa thâm hụt thực tế và thâm hụt cơ cấu.

Trong ba loại thâm hụt trên thì thâm hụt cơ cấu phản ánh kết quả hoạt động chủ quan của chính sách tài khoá như là đưa ra chí sách thuế, chính sách phúc lợi, bảo hiểm,...

Chính sách tài khoá cùng chiều và chính sách tài khoá ngược chiều

Một mức thu nhập hay sản lượng nhỏ hơn sản lượng tiềm năng thì ngân sách sẽ bị thâm hụt. Ngược lại với bất kỳ mức sản lượng nào lớn hơn mức sản lượng tiềm năng thì ngân sách đều thặng dư. Chỉ tại mức sản lượng bằng với sản lượng tiềm năng thì ngân sách mới cân bằng.

Chính sách tài khoá cùng chiều

Nếu mục tiêu của Chính phủ là luôn đạt được ngân sách cân bằng dù sản lượng có thể thay đổi thế nào cũng được, thì chính sách đó gọi là chính sách tài khoá cùng chiều.

Lúc đó nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, ngân sách sẽ thâm hụt, để ngân sách cân bằng lúc này Chính phủ cần phải giảm chi tiêu hoặc tăng thuế hoặc sử dụng cả hai biện pháp. Đổi lại chi tiêu của Chính phủ giảm làm cho sản lượng giảm, do đó suy thoái lại càng suy thoái.

Chính sách tài khoá ngược chiều

Nếu mục tiêu của Chính phủ là giữ cho nền kinh tế luôn ở mức sản lượng tiềm năng với mức việc làm đầy đủ, thì Chính phủ phải thực hiện chính sách tài khoá ngược chiều với chu kỳ kinh doanh. Lúc đó khi nền kinh tế suy thoái, để tăng sản lượng, để sản lượng lại gần với sản lượng tiềm năngthì Chính phủ phải tăng chi tiêu hoặc giảm thuế, hoặc cả hai biện đó. Như vậy thì ngân sách đã thâm hụt lại càng thâm hụt.

Việc Chính phủ sử dụng chính sách tài khoá cùng chiều hay ngược chiều với chu kỳ kinh doanh phụ thuộc vào tình huống kinh tế cụ thể của mỗi nước, mỗi giai đoạn khác nhau.

4. Thâm hụt ngân sách và vấn đề tháo lui đầu tư

Các biện pháp của chính sách tài khoá chủ động của Chính phủ gây nên thâm hụt cơ cấu và kéo theo hiện tượng tháo lui đầu tư.

Cơ chế tháo lui đầu tư như sau: Khi tăng chi tiêu hoặc giảm thuế thì GDP sẽ tăng lên theo hệ số nhân, nhu cầu về tiền cũng sẽ tăng. Với mức cung tiền vẫn chưa thay đổi, lãi suất sẽ tăng lên, làm cho đầu tư giảm xuống. Kết quả là một phần GDP tăng lên có thể bị mất đi thâm hụt cao, kéo theo đầu tư giảm.

Vì vậy, tác dụng của chính sách tài khoá sẽ giảm đi, tác động tương tự cũng có thể xảy ra với tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu, nhập khẩu.

Có nhiều quan điểm khác nhau xung quanh vấn đề quy mô của tháo lui đầu tư, điều dự đoán tốt nhất là về mặt ngắn hạn quy mô của tháo lui đầu tư là nhỏ, song lâu dài quy mô tháo lui đầu tư là rất lớn.

Nghiên cứu tác dụng của thâm hụt ngân sách và tháo lui đầu tư có thể kết luận là cần phải có sự phối hợp giữa việc thực thi chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ.

5. Các biện pháp tài trợ cho thâm hụt ngân sách

Khi thâm hụt ngân sách lớn và kéo dài, các Chính phủ đều phải nghĩ đến các biện pháp giảm bớt thâm hụt. Các biện pháp tăng thu và giảm chi. Tuy vậy, cần phải cân nhắc tăng thu và giảm chi như thế nào và bao nhiêu để ảnh hưởng ít nhất đến tăng trưởng kinh tế.

Khi thực hiện các chính sách tài khóa, các biện pháp tăng thu và giảm chi không giải quyết được thâm hụt ngân sách. Các Chính phủ phải sử dụng tới các biện pháp tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Các Chính phủ có thể sử dụng những biện pháp tài trợ sau:

  • Vay nợ trong nước (phát hành công trái vay dân chúng)
  • Vay nợ nước ngoài
  • Sử dụng dự trữ ngoại tệ
  • Vay ngân hàng (in tiền để chi tiêu)

Các biện pháp trên đều có những ảnh hưởng ngoài ý muốn nhất định, Các Chính phủ cần phải có biện pháp để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế quốc dân.

 

Qua bài viết này, Kiểm toán Thành Nam đã chia sẻ đến bạn đọc: Chính sách Tài khóa là gì? Hạn chế của chính sách tài khóa, Áp dụng chính sách tài khóa trong thực tế.

Dịch vụ Kiểm toán Báo cáo tài chính - Dịch vụ Kế toán
Bài viết liên quan
Bài nổi bật
Bài viết gần đây
Tổng hợp văn bản pháp luật

0886856666

Chat Zalo